Phông chữ

Dư luận rất chú ý tới tuyên bố từ chức của Tổng thống Hungary Pal Schmitt hôm 2/4 sau khi ông bị cáo buộc đạo văn bởi vấn nạn này không những được quan tâm ở châu Âu, mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Mặc dù ông tuyên bố, sau khi từ chức, ông tiếp tục đấu tranh bảo vệ sự vô tội của mình!

Từ những bê bối ở Âu-Mỹ

Mặc dù biết nói tiếng Đức, tiếng Pháp và tiếng Anh, và được bầu làm Tổng thống Hungary với tỷ lệ 263 thuận/59 chống, nhưng ông Pal Schmitt (sinh 13/5/1942 tại Budapest) vẫn phải tuyên bố từ chức (tuyên thệ nhậm chức ngày 6-8-2010) cho dù từng là một kiếm thủ, giành 2 huy chương vàng tại Thế vận hội mùa hè sau khi bị Trường Đại học Semmelweis tước bỏ học vị tiến sĩ (nhận năm 1992) bởi cáo buộc đạo văn.

Phát biểu trước Quốc hội trước khi rời ghế Tổng thống, ông Pal Schmitt nhấn mạnh, theo hiến pháp, Tổng thống phải đại diện cho sự đoàn kết của Hungary, nhưng không may lại trở thành biểu tượng của sự chia rẽ nên cảm thấy có nghĩa vụ rời vị trí hiện nay. Không những người dân mà cả các đảng đối lập và giới khoa học Hungary đều ủng hộ việc từ chức củ a ông Pal Schmitt bởi việc này làm ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia, cũng như làm vấy bẩn sự trong sạch của nền khoa học Hungary.

Lãnh đạo Trường Đại học Semmelweis cho biết, luận án tiến sĩ của ông Pal Schmitt nhận năm 1992 đã sao chép nguyên xi từng con chữ trong luận án của nhà nghiên cứu người Bungary Nikolai Georgiev năm 1987 và của nhà nghiên cứu người Đức Klaus Heyneman. Hiệu trưởng Trường Đại học Semmelweis Tivadar Tulassay đã lên án hành động sao chép luận văn là "sự vi phạm các quy tắc khoa học và không tuân thủ các tiêu chuẩn khoa học".

Theo giải thích của Tổng thống Pal Schmitt, những quy định về viết luận văn tiến sĩ thời của ông không nghiêm ngặt như hiện nay, do đó chấp nhận quyết định của Trường Đại học Semmelweis.

Uy tín của Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng từng bị ảnh hưởng sau khi ông Owen Lippert, người viết diễn văn cho đảng Bảo thủ tuyên bố từ chức vì bị cáo buộc đạo văn hồi thượng tuần tháng 10/2008. Cách đây gần 11 tháng (11/5/2011), bà Silvana Koch-Mehrin, nữ chính khách của đảng Dân chủ tự do Đức (FDP) buộc phải tuyên bố từ chức Chủ tịch FDP tại Nghị viện châu Âu và Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu vì bị buộc tội đạo văn trong luận án tiến sĩ (56/201 trang luận án tiến sĩ có dấu hiệu sao chép, không ghi nguồn).

Trước đó (tháng 2/2011), ông Karl-Theodor zu Guttenberg, Bộ trưởng Quốc phòng Đức cũng mất bằng tiến sĩ sau khi bị cáo buộc đã sao chép một phần trong luận án tiến sỹ luật năm 2006 tại Trường Đại học Bayreuth. Trường Đại học Bayreuth, nơi ông Karl-Theodor zu Guttenberg trình luận án năm 2007 đã mở cuộc điều tra về những cáo giác kể trên.

Giảng viên cao cấp khoa Kinh tế đất đai Nicola Morrison của Trường Đại học Cambridge nổi tiếng ở Anh là người đã làm hoen ố thanh danh của trường đại học hàng đầu thế giới này sau khi bị cáo buộc sao chép luận văn của một sinh viên. Hơn 1 năm trước (16/3/2011), tờ Washington Post phải xin lỗi về bài viết tiếp theo vụ nổ súng nhắm vào nữ Nghị sĩ Giffords ở bang Arizona hồi đầu tháng 1/2011 bởi đó là sản phẩm ăn cắp ý tưởng từ nhật báo Arizona Republic. Điều đáng nói bài viết này là của nữ phóng viên Sari Horwitz, người từng giành nhiều giải Pulitzer.

Hơn 4 năm trước (tháng 3/2008), Timothy Goeglein, trợ lý quan hệ công chúng của Tổng thống Mỹ George W.Bush đã phải từ chức sau khi thừa nhận đạo văn.

Tới các bài học ở châu Á

Tháng 2/2011, Bộ Khoa học Công nghệ Trung Quốc đã quyết định thu hồi một danh hiệu trong Giải thưởng Khoa học công nghệ quốc gia năm 2005 bởi người đoạt giải bị phát hiện đạo văn và đưa ra các số liệu giả mạo. Trước đó (tháng 3/2009), 3 Giáo sư, Phó giáo sư của Trường Đại học Chiết Giang chính thức bị thôi việc do dính tới vụ đạo văn khoa học ngành đông y. Sự kiện này đã gióng hồi chuông báo động về nạn giả mạo công trình nghiên cứu khoa học đang khá phát triển tại quốc gia hơn 1,34 tỷ người.

Hơn 5 năm trước (tháng 3/2007), nhà văn hàng đầu ở Trung Quốc Giả Bình Ao cũng bị tố đạo văn. Trước đó (26/3/2006), Trường Đại học Thanh Hoa cũng đã cách chức và ngưng hợp đồng làm việc đối với Giáo sư Lưu Huy vì bị cáo buộc sử dụng thành quả nghiên cứu khoa học của người khác. Sự gian dối trong các trường học không phải là chuyện mới ở Trung Quốc, nhưng hầu hết không được đưa ra ánh sáng. Nên trước và sau vấn nạn kể trên, nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm giải cứu danh dự cho nền giáo dục Trung Quốc.

Gần 3 năm trước (tháng 8/2009) uy tín của ông Kamran Daneshjou, tân Bộ trưởng Bộ Khoa học Iran bị lung lay sau khi tờ Los Angeles Times nêu những câu hỏi chung quanh luận án tiến sĩ của ông. Bởi ông Kamran Daneshjou khai có bằng tiến sĩ về kĩ thuật hàng không từ College of London'', nhưng xứ sở sương mù lại không có trường nào như vậy.

Trợ lý cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak, ông Cheong Jean Gon, từng bị cáo buộc đạo văn chỉ 3 ngày sau khi được bổ nhiệm vào vị trí này. Hãng thông tấn Yonhap cho biết, ngày 23/6/2008, ông Cheong Jean Gon đã yêu cầu Văn phòng Tổng thống ngừng thực hiện quyết định bổ nhiệm, sau khi bị cáo buộc đạo văn cho dù nằm trong danh sách một trong bảy trợ lý cấp cao do Tổng thống Lee Myung-bak bổ nhiệm hôm 20/6/2008. 

  •   Lê Chí Thiện, CAND