Phông chữ

Để đưa câu chuyện, bộ phim của bạn nổi như cồn trên toàn thế giới, có lẽ không gì bằng đến LHP Cannes, nơi tụ tập hàng ngàn phóng viên, nhà báo.

Dù chưa có nhà làm phim nào lỡ lời tuyên bố “có thiện cảm với phát xít Đức” như Lars von Trier hồi năm ngoái, nhưng Cannes vẫn đủ thứ chuyện trên và ngoài màn ảnh trở thành những cái tít lớn trên bề mặt truyền thông toàn cầu. Chẳng hạn như vào cuối tuần qua, người ta lại kháo nhau về diễn xuất đột phá và gây ám ảnh của Aniello Arena trong vai người bán cá ở thành phố Naples ở bộ phim ứng viên giải Cành cọ vàng “Reality” (Thực tế).


Đang chịu án tù vẫn thành “sao” màn ảnh

Diễn viên - tù nhân Aniello Arena trong phim “Reality”
Chỉ có điều ngôi sao mới tỏa này sẽ không thể bước trên thảm đỏ trong buổi ra mắt phim vào hôm thứ sáu, 18.5. Aniello Arena đang ở trong tù, nơi mà ông phải ngồi trong hai thập niên vì tội giết người. Ông đã làm việc trong hơn 10 năm qua cho nhà hát trong tù Fortezza nhưng chưa từng xuất hiện trên phim truyện cho tới khi đạo diễn Matteo Garrone thuyết phục được quan tòa cho ông diễn xuất trong bộ phim “Reality”.

Giải thích về sự vắng mặt này, đạo diễn Matteo Garrone nói: “Chúng tôi được phép cho ông xuất hiện trong bộ phim Reality nhưng không được phép đưa ông đến Cannes”. Ông nói thêm, dù sao sự vắng mặt này không “quá gây thất vọng” cho Arena, vì bộ phim thành công có nghĩa là ông còn tiếp tục được diễn.

“Reality” là bộ phim Ý duy nhất lọt vào vòng tranh giải gồm 22 phim. Với chủ đề sự giam hãm về tinh thần còn nặng nề hơn về thể xác, tù nhân Arena vào vai Luciano, một ông bố vất vả và vui tính đang ngày càng bị ám ảnh bởi ý tưởng được nổi tiếng trên truyền hình. Bộ phim đầy cảm động và hài hước nhưng dần chuyển sang đen tối khi nhân vật Luciano ngày càng điên cuồng đi tìm danh tiếng. Đạo diễn nói phim mô tả các truyền hình thực tế đang nở rộ và phô trương như “một thiên đường nơi hạ giới – kiểu như thành phố vàng có trong truyền thuyết El Dorado mà ai cũng muốn tới”

Phim tình dục gây tranh cãi

Phim tranh giải Cành cọ vàng “Paradise: Love”
Mặt trời, cát nóng và tình dục, tất cả đều có trong ứng viên Cành cọ vàng “Paradise: Love” (Thiên đường: Tình yêu) của đạo diễn người Áo Ulrich Seidl. Nhằm đưa ra cái nhìn về du lịch tình dục, bộ phim xoay quanh câu chuyện về người phụ nữ Áo 50 tuổi (Margarethe Tiesel) đi nghỉ mát ở Kenya, tìm kiếm chuyện lãng mạn với thanh niên địa phương và sau đó gần như trở thành lợi dụng họ.

Margarethe Tiesel, nữ diễn viên thủ vai này nói bà không muốn đưa ra cái nhìn phán xét hành vi của nhân vật, nhưng bộ phim khảo sát nỗi cô đơn của phụ nữ trong chính ngôi nhà của mình và bị chồng cưỡng bức tình dục, cũng như cách mà họ “trở thành kẻ cưỡng bức khi đi du lịch nước ngoài”. Đạo diễn Seidl, người từng nêu cái nhìn về va chạm văn hóa giữa phương Đông và phương Tây trong phim “Import/Export” tại Cannes 2007, đang lên kế hoạch làm loạt phim ba phần về du lịch hiện đại, trong đó “Paradise: Love” là phần đầu tiên.

Trong bộ phim là ứng viên của giải Cành cọ vàng năm nay, đạo diễn nhìn những nhân vật người châu Âu và châu Phi bằng con mắt khách quan của một nhà nhân chủng học. Ông bắt đầu bộ phim bằng những công việc của một nhà làm phim tài liệu. Thậm chí, bộ phim được bấm máy mà không cần đến lời thoại được ghi trong kịch bản, cũng như cách pha trộn dàn diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp.

“Paradise: Love” nhận được nhiều ý kiến trái chiều tại Cannes. Một số chỉ trích bộ phim đơn thuần là sao chép sự chịu đựng cưỡng bức của người châu Phi, hoặc thậm chí tờ Hollywood Reporter đơn giản nhận thấy bộ phim như một “cơn đắm mình trống rỗng của tâm tưởng”. Một số khác khen các diễn viên đã dũng cảm khỏa thân để diễn lại cảnh đổi trác tình dục của nhân vật.

Thành Long tuyên bố giã nghiệp đánh đấm

Thành Long trong bộ phim võ thuật cuối cùng của sự nghiệp “Chinese Zodiac”
Trong buổi họp báo giới thiệu bộ phim “Chinese Zodiac” (Can chi), nam diễn viên Thành Long gây bất ngờ với tuyên bố “Can chi” sẽ là bộ phim hành động cuối cùng trong sự nghiệp của ông. Có lẽ vì sợ người ta chẳng tin là ông sắp về hưu, ông quả quyết thêm: “Họ nói không, ông vẫn còn trẻ, vẫn có thể làm được, nhưng tôi phải ngừng lại vào một ngày nào đó”.

Trong “Can chi”, ông đóng vai kẻ đi tìm vận may trên khắp thế giới bằng nỗ lực lần theo dấu vết của những thuật chiêm tinh cổ xưa đã thất truyền. Thành Long nói ông đã mất bảy năm để làm bộ phim, từ viết kịch bản, sản xuất, đạo diễn, diễn xuất cho đến đồng dàn dựng các màn đánh đấm. Bộ phim và cả loạt phim hành động trước đây đã khiến ông trả giá bằng những chấn thương trên cơ thể. Ông ngại ngần chia sẻ: “Nó đau, thực sự đau. Đôi vai, mắt cá chân, đều thực sự thương tổn. Bạn có thể không biết bởi vì nhìn tôi vẫn khỏe mạnh”.

Không nói về những kế hoạch sắp tới, ông dè dặt cho biết có thể là làm vườn, nấu ăn, chơi bowling trong thời gian rảnh, và muốn những bộ phim sắp tới sẽ dụng công diễn xuất thay vì hành động cơ bắp. “Khi nhìn vào Hollywood, vào Robert De Niro, ông có thể làm mọi thứ - phim bi lẫn phim hài”, ông nói. Xem Thành Long diễn xuất trong phim tâm lý có lẽ là điều mà người ta ít mong đợi nhất. Nhưng biết đâu, sự chuyển hướng muộn màng này sẽ mang lại một hình ảnh thú vị và khác biệt của một ngôi sao 58 tuổi, nổi tiếng nhờ dòng phim võ thuật trong suốt ba thập niên, và nay đối diện với vấn đề tuổi tác.
  • Khải Trí, VNN