feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Đã gọi Nghị sỹ là đại biểu, thay mặt dân, quốc hội đại diện cho quốc dân, thì họ làm những việc gì, làm ra sao, từng người dân phải và được quyền biết chi tiết tường tận, nếu không, người dân vốn là chủ nhân đất nước không thể yên tâm, hoặc vô hình dung thiếu trách nhiệm với con người mình đã tin cậy giao phó sinh mệnh chính trị, đóng thuế chi cho họ làm việc.


Có thể tham khảo công việc quốc hội Đức năm vừa qua 2010, mà bất cứ người dân Đức nào quan tâm đều có thể biết. Quốc hội Đức hiện nay gồm 622 nghị sỹ, trên tổng dân số hơn 80 triệu người tương đương Việt Nam, gồm 6 nhóm (đảng phái khác nhau), được bầu từ năm 2009 với 44.005.577 cử tri tham gia trên tổng số 62.168.489 cử tri, chiếm tỷ lệ 70,78 %, so với Quốc hội ta hiện nay có tổng số 493 đại biểu (bằng chừng 3/4 họ), do 56.252.543 cử tri bầu trên tổng số 56.457.532 cử tri, chiếm 99,64% - nghĩa là được người dân quan tâm gấp 1,4 lần họ.

Quốc hội Đức năm qua họp phiên toàn thể hết tổng cộng 800 giờ, nếu tính 1 ngày làm việc 8 tiếng, thì tương đương 100 ngày hay 5 tháng họp liên tục (trừ 2 ngày cuối tuần và nghỉ lễ), so với ở ta chỉ họp một số phiên toàn thể trong 2 kỳ làm việc tập trung, mỗi kỳ 1 tháng. Với tổng số giờ họp trên, Quốc hội Đức đã tổ chức tổng cộng 69 phiên họp toàn thể, (bình quân 5 ngày niên lịch có 1 cuộc họp), với 4.260 lượt phát biểu (bình quân mỗi cuộc họp toàn thể có 62 ý kiến, và mỗi nghị sỹ phát biểu tại những hội nghị đó 7 lần trong năm), thông qua được tổng cộng 101 văn bản luật, nghĩa là bình quân chừng 3,5 ngày nước Đức có 1 luật mới hoặc sửa đổi bổ sung; không thế, không thể có được một hành lang pháp lý để buộc nhà nước phải vận hành theo nó - khẳng định chức năng lập pháp của Quốc hội, nếu luật thiếu và yếu Quốc hội phải gánh chịu trách nhiệm.

Chỉ riêng băng video quay lời phát biểu, người ta phải xem tổng cộng 1 tháng ròng rã không có giờ nghỉ mới hết, cho thấy Nghị sỹ họ phải tâm huyết và chịu trách nhiệm với vai trò của mình, công khai và triệt để tới mức nào.

Để đạt được kết qủa trên, bằng quyền lực tối cao của mình, Quốc hội đã chất vấn Chính phủ tổng cộng 6.545 câu hỏi, đặt sức ép giám sát chặt chẽ lên Chính phủ phải trả lời chừng ấy câu hỏi bằng văn bản, chỉ có thể đáp ứng một khi thực sự đủ năng lực đảm đương, và cũng là thước đo khẳng định năng lực đó, rất cần cho quy luật đào thảo tự nhiên trong trường hợp ngược lại.

Quốc hội Đức có tổng cộng 22 ủy ban chuyên môn và ủy ban điều tra, họp tổng cộng 693 phiên trong năm qua, bình quân mỗi ngày niên lịch có gần 2 cuộc họp và mỗi ủy ban tổ chức tới trên dưới 31 cuộc họp trong năm. Thiếu tiền đề căn cứ này, Quốc hội khó có thể ban hành được văn bản luật sát với đòi hỏi của người dân, của đất nước phát triển từng ngày, luôn cần đến những giám định, điều tra, phản biện từ thực tế luôn vận động đó - chức năng của các ủy ban.

Tổng hồ sơ  kết qủa công việc của Quốc hội đưa in ấn lên tới  3.904 thư mục, gồm các dự luật, các nghị định, các tờ trình, các nghị quyết, các báo cáo, các chất vấn và các thông báo, truyền đạt. Một khối lượng công việc đồ sộ như trên, không quốc hội nước nào có thể thực hiện nổi, nếu không có một bộ máy hành chính chuyên nghiệp phục vụ cho nó để làm công việc chuẩn bị, thu thập tư liệu, ghi chép, lưu trữ toàn bộ quá trình và kết qủa làm việc của quốc hội, công bố và chuyển cho các cơ quan liên quan.

Bộ máy đó hiện tại là 6.365 người, gồm 2.100 người phục vụ cho nghị sỹ, bình quân mỗi nghị sỹ có 3-4 cộng sự, 850 người phục vụ cho 6 đảng đoàn (mỗi đảng phái là 1 đảng đoàn) và 2.793 nhân viên sự nghiệp hành chính, tạp vụ làm việc trong tổng số 20 khu nhà dành riêng cho Quốc hội, với diện tích sàn lên tới 398.246,98 m2 -  cho thấy nước Đức chú trọng tập trung sức người, sức của cho Quốc hội ở mức độ nào, bởi quyền lực cao nhất muốn thực hành không thể trông vào 2 bàn tay trắng, hay dựa vào ý chí là được, cần tiền đề, thực lực!

Kinh phí chi cho hoạt động Quốc hội trong năm qua là 681 triệu Euro, gồm tiền lương, bảo hiểm của công nhân viên chức, nghị sỹ, tiền thuê nhà cửa, khấu hao tài sản, công tác phí, văn phòng phẩm... Nếu chia chi phí đó cho 81,743 triệu dân số Đức hiện nay, mỗi người dân phải chi cho quốc hội họ trong năm qua hết 8,33 Euro/năm. Riêng tiền lương mỗi nghị sỹ 7.668 Euro/tháng (tương đương lương của cục, vụ, viện trưởng), tính ra mỗi người dân phải trả công họ đại diện cho mình là 70 Cent/năm, tương đương giá 1/7 bát phở Việt Nam ở Đức.

Từ đó có thể thấy, hiếm có đầu tư  nào hiệu quả bằng đầu tư cho nghị sĩ. Cứ 7 người dân chỉ mới bớt tiền ăn đúng một bát phở Việt Nam dành cho họ, mà đã thu được một khối lượng kết quả khổng lồ như trên, và quan trọng hơn cả là sự bình an không tiền bạc nào mua nổi: mọi công việc giao phó cho nghị sĩ, họ đều có thể cân, đong, đo, đếm, nhìn thấy được, rất yên tâm!

Người dân Đức quan tâm đến bầu cử chỉ 70%, kém gần gấp rưỡi ta, nhưng quan tâm đến sản phẩm đó tức là công việc của quốc hội thì đứng hàng đầu thế giới, bỏ xa nhiều nước kể cả ta; trong năm qua có tổng cộng 3 triệu khách tới nhà quốc hội để thăm quan, nghe thuyết trình và đặc biệt quan sát tại chỗ các phiên họp toàn thể quốc hội giống như xem bóng đá - điều tự do ở Đức, để bất cứ ai muốn đều có thể kiểm tra được người họ tín nhiệm.

Quốc hội cũng chỉ là một tổ chức, nghị sỹ cũng chỉ là một cá nhân làm công ăn lương, không có gì thần thánh siêu nhân cả, kết qủa làm việc của họ đạt được cao như vậy trước hết là do tiền đề nền tảng chính trị xã hội họ tạo ra, được quyết định bởi các quy định pháp lý, trước hết do Hiến pháp họ quy định chức năng quốc hội trong thể chế tam quyền phân lập, quy định chế độ bầu cử cùng cơ cấu tổ chức và cách thức làm việc của quốc hội chặt chẽ, không thể, và không được phép làm khác chuẩn mực pháp lý đã định.

Tiếp đó là Luật hoạt động của quốc hội, quy định chi tiết những công việc quốc hội phải làm; Luật ủy ban giám sát, cho phép kiểm tra các khả năng sai lầm hoặc lạm dụng của chính phủ và sai sót của các chính khách, không miễn trừ bất cứ ai, bởi tất cả đều bình đẳng trước luật pháp phải được giám sát; Luật Nghị sỹ quy định chi tiết quyền và trách nhiệm từng nghị sỹ, trong đó bảo đảm quyền độc lập và tự quyết trong công việc của họ, chỉ chịu trách nhiệm trước cử tri (bởi cử tri là chủ), chứ không phải trước đảng họ (nghị sỹ của quốc hội, do quốc hội trả lương, chứ không phải của đảng họ, do đảng họ trả lương), không phụ thuộc bất cứ ai, tổ chức nào (nói cách khác không có cấp trên, chính vì vậy nghị sỹ của đảng này có thể bỏ phiếu cho một đề xuất chính sách của đảng khác ngược lại chủ trương của đảng họ);

Luật bầu cử, và Luật kiểm tra bầu cử quy định chi tiết qúa trình bầu cử và kiểm tra tính xác thực của nó, bảo đảm cho từng người dân yên tâm nghị sỹ chính của họ do họ muốn, chứ không thể đổ lỗi cho nhà nước hay đảng nào áp đặt; Luật Đảng phái quy định quyền và trách nhiệm chính trị của các đảng phái tham gia quốc hội, phải nằm trong quốc hội, hình thành nên quốc hội, chứ không phải nằm trên quốc hội (bởi quốc hội cao nhất), cùng với kinh phí nhà nước dành cho đảng, và vì vậy đảng phải phụng sự cho nhà nước chứ không phải ngược lại; Luật vai trò quốc hội đối với sử dụng quân đội ở nước ngoài.

Trên thế giới hầu như không quốc hội nước nào giống hệt nước nào dù họ cùng theo 1 thể chế, nhưng một quốc hội thực sự đại diện cho dân, có quyền lực cao nhất, luôn là tiêu chuẩn phổ quát, thước đo đánh giá mức độ một nhà nước được cho là của dân, do dân và vì dân. Kết qủa đạt được tới đâu không phải mỗi mong muốn, ý chí, quyết tâm là có, mà hoàn toàn tuỳ thuộc thực tế đầu vào tạo ra quốc hội và đầu ra bảo đảm tiền đề vật chất và nền tảng pháp lý cho nó hoạt động ở mức độ nào? Thế giới chưa một quốc hội nước nào vượt ra khỏi tiền đề đó, dù lý tưởng vì dân của họ cao cả đến mấy.

 

Tác giả: TS NGUYỄN SỸ PHƯƠNG, CHLB ĐỨC

 


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.