Phông chữ
Đến 1/7/2014, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hiện chưa mất quốc tịch Việt Nam nếu không đăng ký giữ thì sẽ mất quốc tịch gốc. Đây là nội dung trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quốc tịch Việt Nam do Chính phủ vừa ban hành.

Phải đăng ký giữ quốc tịch

Về việc đăng ký giữ quốc tịch, Nghị định hướng dẫn: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam theo pháp luật Việt Nam trước ngày 1/7/2009 mà không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng, nếu có nguyện vọng giữ quốc tịch Việt Nam thì phải đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam.

Việc đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam được thực hiện đến hết ngày 1/7/2014.

Hết thời hạn này, đối tượng trên không đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam thì mất quốc tịch Việt Nam, nếu muốn có quốc tịch Việt Nam sẽ phải làm thủ tục xin trở lại quốc tịch theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Nghị định, từ ngày 1/7/2009, công dân Việt Nam, vì lý do nào đó, có quốc tịch nước ngoài và chưa mất quốc tịch Việt Nam, thì vẫn có quốc tịch Việt Nam. Tuy nhiên, trường hợp này phải thông báo có quốc tịch nước ngoài.

Cụ thể, trong thời hạn 2 năm kể từ ngày có quốc tịch nước ngoài, trường hợp đề cập trên hoặc cha mẹ, người giám hộ của người đó, nếu ở nước ngoài phải thông báo cho cơ quan đại diện Việt Nam có thẩm quyền. Nếu ở trong nước, phải thông báo cho sở tư pháp nơi người đó cư trú biết việc họ có quốc tịch nước ngoài, kèm theo bản sao giấy tờ chứng minh có quốc tịch nước ngoài.

Điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam

Nghị định cũng đưa ra các điều kiện để được nhập quốc tịch Việt Nam. Trong đó có điều kiện "biết tiếng Việt đủ để hòa nhập vào cộng đồng Việt Nam, được đánh giá trên cơ sở khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt với công dân Việt Nam trong cuộc sống, phù hợp với môi trường sống và làm việc của người đó".

Giấy tờ chứng minh trình độ tiếng Việt của người xin nhập quốc tịch Việt Nam được quy định là một trong các giấy sau: bản sao bằng tốt nghiệp sau đại học, đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trung học phổ thông hoặc trung học cơ sở của Việt Nam, bản sao văn bằng hoặc chứng chỉ chứng nhận trình độ tiếng Việt do cơ sở đào tạo tiếng Việt của Việt Nam cấp.

Trong trường hợp không có các giấy tờ trên, sở tư pháp tổ chức phỏng vấn trực tiếp để kiểm tra trình độ tiếng Việt của người đó.

Ngoài ra, khả năng bảo đảm cuộc sống tại Việt Nam của người xin nhập quốc tịch Việt Nam phải được chứng minh bằng tài sản, nguồn thu nhập hợp pháp của người đó hoặc sự bảo lãnh của tổ chức, cá nhân tại Việt Nam.