Phông chữ

http://www.merkur-online.de/bilder/2009/04/29/251575/2084703722-deutscher-soldat-afghanistan-kundus-getoetet.9.jpgCác chuyên gia giáo dục của Đức cảnh báo, kế hoạch bãi bỏ nghĩa vụ quân sự và dân sẹ có thể khiến các trường đại học bị quá tải, bởi sẽ có thêm 50 nghìn sinh viên đăng ký vào đại học trong năm tới.


Theo kế hoạch của Bộ trưởng quốc phòng Karl-Theodor zu Guttenberg, nhằm xây dựng một lực lượng quân đội tinh nhuệ và chuyên nghiệp hơn, nghĩa vụ quân sự bắt buộc ở Đức sẽ được bãi bỏ. Việc này cũng sẽ kéo theo bãi bỏ nghĩa vụ dân sự (Zivildienst) dành cho các thanh niên không phục vụ trong quân đội mà tham gia các dịch vụ công ích. Ông Guttenberg cũng thông báo rằng, số binh lính phục vụ trong quân đội sẽ giảm từ 250 nghìn hiện nay xuống 163.500 người.

“Điều này sẽ khiến các trường đại học phải nhận thêm 50 nghìn sinh viên trong năm tới”, ông Ludwig Spaenle, chủ tịch tổ chức giáo dục KMK của Đức, cũng là Bộ trưởng giáo dục bang Bayern, nói trên báo Handelsblatt. Theo dự đoán, nếu chưa có việc bãi bỏ nghĩa vụ quân sự thì các trường đại học cũng sẽ phải tiếp nhận số sinh viên kỷ lục từ năm 2011 tới 2014.

Vì vậy, KMK đã thành lập một hội đồng đặc biệt để nghiên cứu ảnh hưởng của kế hoạch bãi bỏ nghĩa vụ quân sự. “Mở rộng hệ thống giáo dục là một việc cần thiết”, ông Spaenle nói.

Bà Margret Wintermantel, chủ tịch hiệp hội hiệu trưởng các trường học cho biết, trong năm tới, bang Niedersachsen và Bayern sẽ phải tiếp nhận số sinh viên tăng gấp đôi. Mặc dù vậy, các trường đại học cam kết sẽ làm mọi việc có thể để đáp ứng nhu cầu của sinh viên. Theo bà, cần cải cách hệ thống giáo dục theo hướng linh hoạt hơn, chẳng hạn như việc tiếp nhận các nguồn vốn cần được tiến hành nhanh chóng hơn. Kế hoạch cải tổ quân đội của bộ trưởng Guttenberg sẽ được quốc hội Đức xem xét thông qua vào tháng 11 tới.