Phông chữ
Tôi sinh sống tại Đức và cũng có con gái con trai đi học nên ít nhiều thấy sự khác biệt giữa giáo dục phổ thông của hai nước. Tôi thực sự thấy sự học hành của trẻ em tại quê nhà nhất là vào lớp 1 sao vất vả quá mức so với sức của các cháu.

- Tại Đức quy định rõ tất cả học sinh phải tròn 6 tuổi mới đi học.

- Học sinh đến trước ngày 30.06 tròn 6 tuổi sẽ ghi tên đi học năm đó. Tất cả học sinh khác có sinh nhật sau ngày 30.06 sẽ đi học vào năm học sau.

- Học sinh vào lớp 1 trước tiên sẽ được học cách làm quen với quy định trường học, lớp học, thầy cô giáo và nhất là việc phải ngồi yên một chỗ 45 phút. Rồi sau đó học chữ, học đọc, học viết học làm tính... nhưng rất từ từ, đơn giản và nhẹ nhàng.

- Học sinh lớp 1 không nhận điểm mà được cô giáo khen ngợi bằng hình ảnh sinh động như con ong chăm chỉ hay chú khổng long xinh xinh... thôi.

- Kết thúc mỗi học kỳ năm lớp 1, cô giáo sẽ ghi nhận xét tương đối chính xác về khả năng, tính cách, quan hệ bạn bè trong lớp... của học sinh để bố mẹ biết về con em mình.

- Bắt đầu từ lớp 2 cô giáo sẽ cho điểm. Chỉ cô giáo và học sinh biết chính xác về điểm của mình hôm đó tốt hay xấu!

Ví dụ: Bạn A không biết bạn B đạt điểm bài chính tả hay toán như thế nào! Cô giáo chỉ đưa ra một bảng thống kê nhỏ: Lớp hôm nay có 3 bạn đạt điểm 1; 5 bạn đạt điểm 2; 6 bạn đạt điểm 3 hay 2 bạn có điểm kém...

- Qua đó học sinh đang học kém sẽ không mặc cảm hay tự ti và sẽ cố gắng học tốt hơn.
 
 
Lê Nhị Thiên