Phông chữ
Nền kinh tế Đức mỗi năm chịu thiệt hại hàng tỉ Euro do các vụ sao chép hàng lậu gây ra. Với những biến tấu khôn lường, ngay cả đến những viên thuốc Viagra làm nhái còn trở nên đắt đỏ hơn cả hê-rô-in.

Trong cuộc chiến chống hàng giả, nhóm hành động chống lại các hành vi sao chép sản phẩm và thương hiệu (APM) đã kêu gọi mức phạt cứng rắn hơn. Bên cạnh đó, Chủ tịch nhóm APM cũng đã yêu cầu phạt tiền đối với cả người tiêu dùng nếu họ mua hàng giả. Ông bày tỏ quan điểm: "Các vụ sao chép thương hiệu và sản phẩm chính là ung nhọt của sự toàn cầu hóa. Căn bệnh này cần có cách điều trị mạnh mẽ hơn". Theo một nghiên cứu của Bộ Kinh tế Liên bang Đức, vấn nạn hàng giả, hàng nhái đã khiến nước này mỗi năm thiệt hại khoảng 50 tỉ Euro. Thậm chí con số này còn có chiều hướng gia tăng trong những năm tiếp theo. Các số liệu thống kê cũng cho thấy hàng giả có mặt trong hầu hết các mặt hàng từ đồ tiêu dùng hàng ngày như khăn mặt, mỹ phẩm, thuốc uống, hay các thiết bị điện tử như ấm đun nước, ti vi, cho đến các hệ thống máy móc phức tạp. Trong đó, có tới hơn 60% hàng nhái có xuất xứ từ Trung Quốc.

Những kẻ làm hàng giả được xếp vào nhóm tội phạm có tổ chức. Chúng thu lợi nhuận rất lớn va nguy cơ bị phát hiện lại rất thấp. Một kilo hê-rô-in khi được bán trên chợ đen, những kẻ buôn lậu sẽ thu được khoảng 50.000 Euro, nhưng với một kilo thuốc Viagra làm nhái, chúng sẽ thu được gần 90.000 Euro! Thủ đoạn của những kẻ buôn hàng giả ngày càng trở nên tinh vi hơn. Chúng thường lợi dụng các kênh phân phối vô danh như bán hàng qua internet hoặc gửi hàng với số lượng nhỏ qua đường bưu điện.

Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt tối đa là 5 năm tù giam đối với những tên buôn hàng giả là quá thấp và rất hiếm khi bị áp dụng. Theo các chuyên gia, cần phải tăng thêm nhiều năm tù giam và cải tạo cho nhóm tội phạm này.

Bên cạnh đó, sự thờ ơ hoặc thiếu hiểu biết của người tiêu dùng cũng khiến cho nạn hàng giả tiếp tục gia tăng. Nhiều tổ chức chống hàng giả đã đề xuất cả những phương án phạt tiền đối với người tiêu dùng sài hàng giả. Theo đó, Hải quan Đức khi phát hiện ra hàng giả, hàng nhái, họ có thể đánh thuế các mặt hàng đó ngay cả trong trường hợp chúng không phục vụ mục đích buôn bán mà hoàn toàn vì mục đích tiêu dùng cá nhân.