Phông chữ

Hỏi: Vừa qua tôi đặt đơn nhập quốc tịch cho 2 con tôi, 18 tuổi, và 12 tuổi đã được phía Đức cấp giấy chấp thuận Einbürgerungszusicherung. Tôi nghe nói em sinh ra ở Đức dưới 16 tuổi, thủ tục thôi quốc tịch chỉ cần nộp ở Đại sứ quán Việt Nam mà không cần gửi về Việt Nam cho thủ tướng ký có phải không, như con tôi 18 tuổi thì thế nào, chúng có được phép 2 quốc tịch không? (Phạm T.T.N)


 
Trả lời: Theo luật Quốc tịch Đức (Staatsangehörigengesetz- StAG), người nước ngoài muốn nhập quốc tịch Đức thì dù chưa hay đã trưởng thành, đều phải từ bỏ quốc tịch cũ, ngoại trừ trường hợp sinh ra ở Đức, nếu bố mẹ đã có ít nhất 8 năm thường trú ở Đức thì được tự động nhận quốc tịch Đức (Điều 4 đoạn 3). Những trẻ em đó nghiễm nhiên 1 lúc 2 quốc tịch, nhưng chậm nhất tới 23 tuổi cũng phải tuyên bố bỏ quốc tịch bố mẹ, mới được giữ quốc tịch Đức. Nghĩa là, Đức không có chế độ 2 quốc tịch. Từ bỏ quốc tịch Việt Nam phải làm thủ tục tại Đại/Lãnh sứ quán Việt Nam. Hồ sơ đó được chuyển về Việt Nam. Sau khi Chủ tịch nước xét duyệt (mỗi năm chỉ xét 1 lần). Đại/Lãnh sứ quán sẽ chuyển giấy thôi quốc tịch cho đương sự, theo bưu điện hoặc mời tới nhận.

 

CHUYỂN TỪ TIỆP SANG ĐỨC SINH SỐNG

Hỏi: Tôi kinh doanh và lưu trú lâu dài ở Tiệp, nay tôi kết hôn với chồng người Đức và được cấp giấy phép lưu trú 1 năm. Liệu tôi có phải về Tiệp cắt giấy tờ, bảo hiểm và thuế khóa không thủ tục như thế nào?.(Phan T.T - Essen)

Trả lời: Chị có giấy phép lưu trú cả ở Tiệp và Đức. Nếu chị vẫn tiếp tục sống và kinh doanh ở Tiệp, thì chị vẫn phải tuân thủ những quy định pháp lý liên quan ở tiệp. Khi sống ở Đức cũng vậy, chị phải tuân thủ luật Đức. Chị chỉ cắt mọi giấy tờ ở Tiệp, một khi chị ngừng kinh doanh và không sống ở đó nữa. Chị kết hôn với chồng Đức, bảo hiểm chị được ăn theo chồng, nếu chị không có thu nhập. Nếu chị lao động hưởng lương, chị phải đóng bảo hiểm bắt buộc, nếu chị tự hành nghề chị phải đóng bảo hiểm tự nguyện hoặc tư nhân, bảo hiểm sức khỏe sẽ có giá trị ở cả nước ngoài, nếu chị ký điều khoản đó với quỹ bảo hiểm.


GIẤY PHÉP LƯU TRÚ SAU KHI LY HÔN

Hỏi: Cháu gái tôi lấy chồng được hơn 3 năm, giấy phép lưu trú qua 2 lần gia hạn hiện đã được 2 năm 4 tháng. Nay chúng tôi đệ đơn ly  hôn. nay tôi vẫn có công ăn việc làm ổn định. Vậy liệu có ảnh hưởng gì đến gia hạn lưu trú tiếp của cháu không?

Trả lời: Theo điều 31 Luật lưu trú chông/vợ ăn theo, sau khi ly hôn có quyền lưu trú độc lập, nếu trước đó đã có ít nhất 2 năm chung sống, thời hạn trên có thể ngắn hơn, nếu việc từ chối cấp giấy phép lưu trú sẽ làm cho vợ/chồng ăn theo đó gặp khó khăn không thể chịu nổi, như trót bán hết nhà  ở Việt Nam để sang Đức đoàn tụ  chẳng hạn hoặc việc ly dị là bất khả kháng, như bị chồng đối xử bạo lực phải nhờ đến chính quyền hay hội phụ nữ can thiệp. Trường hợp cháu gái của chị, sau khi ly hôn vẫn được lưu trú tiếp tục cho đến hết thời hạn 5 năm sẽ được cấp giấy thường trú Niederlassungserlaubnis.