Phông chữ
Theo phán quyết của Tòa án Hiến pháp Liên bang, người hưởng Hartz IV khi gặp rtường hợp khó khăn đặc biệt có thể xin thêm trợ cấp tại các ban, ngành, sở, nếu đó là "nhu cầu tồn tại tối thiểu của con người, xác đáng, cần thiết, không chỉ một lần duy nhất và cũng không chỉ là nhu cầu đặc biệt, hoặc nhu cầu đó đòi hỏi chi phí rất cao, không thể trang trải bằng tiêu chuẩn Hartz IV hoặc bằng các biện pháp tiết kiệm".

Một quy định tương tự cũng được Hạ Nghị Viện Đức thong qua cách tháng trước. Theo Hiệp hội người thát nghiệp "Tacheles e.V.", những quy định trên được áp dụng trong các trường hợp sau:

1. Chi phí hàng ngày cho người ốm đau hoặc tàn tật (theo hướng dẫn thi hành - Geschäftsanweisung GA 08/10), phí phiên dịch cho người câm điếc (không nằm trong điều 17, đoạn 2 Luật xã hội SGB 1), chi phí cho các phương pháp điều trị bệnh và chữa răng không nằm trong dịch vụ được bảo hiểm y tế thanh toán.

2. Chi phí phục vụ thăm nuôi con, kể cả trong trường hợp con cái định cư tại nước noài (luật LSG Nordrhein-Westfalen L 9 AS 80/06 theo điều 73 luật xã hội SGB XII), chi phí thăm nuôi tù nhân (LPK-SGB XII, điều 73, Rz 6, Hauck/Noftz, SGB II, điều 23 Rz 130, thông báo số 2/2010, trang 59/60), thăm nuôi khi con hoặc bố/mẹ phải nằm viện điều trị lâu dài.

3. Khoản chênh lệch (Differenzbetrag) giữa bảo hiểm y tế tư nhân và nhà nước, gồm các phí bảo hiểm y tế và dưỡng bệnh tư nhân không được các ban, ngành xã hội trợ cấp theo luật xã hội SGB II (SG Chemnitz S 3 AS 462/10 ER). (Đối với các khoản phụ phí thuộc bảo hiểm y tế nhà nước sẽ được áp dụng theo điều 26, đoạn 4 Luật xã hội SGB II);

4. Chi phí học thêm/phí đào tạo giáo dục, giúp đỡ học tập vì hoàn cảnh khó khăn để trẻ không bị lưu ban hoặc không phải chuyển sang một hướng giáo dục khác, chi phí cho một dự án học tập đặc biệt trong cả năm học (ví dụ chi phí tổ chức nhiều chuyến thăm quan trong ngày nếu cần thiết cho chương trình giáo dục). Theo luật sư Uwe Klerks trong thông báo số 2/2010 (từ trang 56), tất cả các chi phí cần thiết cho học tập nằm trong quy định về các trường hợp khó khăn đặc biệt, cần thiết phải áp dụng với lý do "hoàn toàn không được sử dụng quá trình tính toán cho các nhu cầu đặc biệt của trẻ em" (theo Tòa án Hiến pháp BVerfG).

5. Các trường hợp khác, như có nhu cầu đặc biệt trên mức trung bình (quần áo cỡ nhỏ quá hoặc lớn quá, mức sử dụng năng lượng trong nhà cao vì bắt buộc) đều có thể là lý do cho một trường hợp khó khăn đặc biệt (theo thông báo số 2/2010, từ trang 62). Sở Lao động cũng cho biết, danh sách quy định các trường hợp khó khăn đặc biệt vẫn chưa kết thúc (GA 08/10), và để xử lý các trường hợp này cần thông qua điều 73 và điều 28, đoạn 1, trang 2 Luật xã hội SGB XII. Các tòa án xã hội sẽ quyết định thời điểm áp dụng những quy định về các trường hợp khó hăn đặc biệt nói trên.

Một trong những nhu cầu tối thiểu được liệt kê trong danh sách "những trường hợp khó khăn đặc biệt" phải kể đến việc trợ cấp tiền vé tàu xe hàng tháng cho học sinh. Mới đây, phát ngôn viên về chương trình trợ cấp Hartz IV, bà Brigitte Vallenthin nói: hy vọng, các bậc phụ huynh sẽ nhanh chóng đệ đơn xin tiền vé tàu xe hàng tháng cho con họ, bằng cách áp dụng án quyết của Tòa Xã hội Detmold, với án số S 12 AS 126/07 của ngày 9.4.2010". Trong quyết định này, Tòa Detmold buộc Sở ARGE tại đây hoàn trả chi phí tiền tàu xe hàng tháng cho hai học sinh, bởi đó là "nhu cầu thường xuyên, không chỉ một lần,... rất cần để đảm bảo tồn tại tối thiểu của con người". Ngoài ra, Tòa còn chỉ rõ: "Mức tồn tại tối thiểu bao gồm cả cơ hội tham gia vào sinh hoạt cộng đồng, văn hóa và chính trị... Học tập và đào tạo chính là việc nuôi dưỡng quan hệ giữa người với người, bằng cách tham gia vào cuộc sống xã hội, khẳng định ý nghĩa phát triển nhân cách cá nhân cũng như phát triển xã hội... Qua nhiều nghiên cứu cho thấy, tại Đức, thanh thiếu niên xuất thân từ các gia đình nghèo khó không đạt được cơ hội thăng tiến về học tập tương đương với con em của những gia đình khá giả hơn. Học sinh từ các gia đình có thu nhập bậc cao đạt cơ hội vào trường chuyên Gymnasium nhiều gấp 6 lần so với học sinh nghèo (theo thông cáo của Hạ Nghị Viện số 16/5253). Tạo cơ hội cho các em học tập chính là một trọng trách của các ban ngành nhà nước, qua đó có thể ảnh hưởng tốt đẹp đến triển vọng tương lai của đất nước. Để có thể lựa chọn các cơ hội học tập và hoàn thiện việc tham gia vào các hoạt động xã hội", cần tạo đủ điều kiện về vật chất cho các em, mà tiên quyết là việc "nhận trách nhiệm trả các chi phí tàu xe cho học sinh".



TÍNH MỨC ĐƯỢC MIỄN KHẤU TRỪ CHO PHẦN PHỤ DƯỠNG TUỔI GIÀ (ALTERSVORSORGEFREIBETRAG)

Cách tháng trước, "Luật ổn định bảo hiểm xã hội" ("Sozialversicherungs - Stabilisierungsgesetz") được thông qua và bắt đầu có hiệu lực với nội dung: Thay đổi mức tài sản được miễn khấu trừ khi xin hưởng Hartz IV, quy định tại điều 12, đoạn 2, trang 1, số 3 Luật xã hội SGB quyển II. Theo đó, mức được miễn khấu trừ trong phần phụ dưỡng tuổi già cho tất cả các đơn xin trợ cấp mới và trước đó đều được tính theo công thức: (750 Euro x số tuổi) (xem Chuyên đề Hartz IV số 84). Nhưng dù sống lâu bao nhiêu tuổi, thì mức đó cũng không được vượt quá giới hạn:

- 48.750 Euro, nếu sinh trước ngày 31.12.1957,

- 49.500 Euro, nếu sinh trong khoảng thời gian từ ngày 1.1.1958 đến 31.12.1963,

- 50.250 Euro, nếu sinh từ ngày 1.1.1964 trở đi.

Điều kiện để đảm bảo phần phụ dưỡng tuổi già không bị khấu trừ nói trên, quy định tại điều 12, đoạn 2, trang 1, số 3 Luật xã hội SGB II, là phải cam kết: tuyệt đối không sử dụng phần tài sản này trước khi về hưu, quy định tại điều 168, đoạn 3 Luật quản lý tài sản VVG. Những ai đã bị từ chối trợ cấp Hartz IV trước ngày 17.4.2010, bởi lý do mức tài sản phụ dưỡng tuổi già quá cao, nhưng chưa vượt quá giới hạn trên, thì nên đệ đơn lại. Những quyết định khi dó chỉ cho tạm vay hỗ trợ hoặc chỉ tạm trợ cấp từ trước, thì nay sẽ được chấp nhận chính thức. Những ai bị bác đơn trước ngày 17.4.2010 vì lý do quá nhiều tài sản trong đó có cả tìa sản phụ dưỡng tuổi già, cũng cần kiểm tra lại mức "quá nhiều" của mình, dựa theo công thức và cách tính trên.

 

KHÔNG TRỢ CẤP THÊM CHO NHU CẦU QUẦN ÁO TRẺ EM

Đó là phán quyết của Tòa án Xã hội Liên bang Bundessozialgericht dành cho một gia đình ở Recklinghausen. Gia đình này đâm đơn kiện Arge, đòi thêm một khoản trợ cấp quần áo là 448 Euro cho 2 con của họ, nhưng không được chấp nhận. Họ liền kiện lên tòa án từ cấp sơ thẩm đến thượng thẩm, với lý do, tiêu chuẩn Hartz IV dành cho trẻ em không bao gồm tiền mua quần áo mới. Nguyên đơn còn dẫn chứng tuyên án mới nhất của Tòa án Hiến pháp Liên bang Bundessozialgericht rằng, mức tiêu chuẩn cơ bản Hartz IV của trẻ em hiện nay là trái hiến pháp. Nhưng các thẩm phán Tòa án Xã hội Liên bang đã loại bỏ lý do trên cũng như nhu cầu hưởng thêm trợ cấp đặc biệt để mua quần áo trẻ em (án quyết số AZ.; B 14 AS 81/08 R). Bởi theo họ, các tiêu chuẩn Hartz IV dành cho trẻ em hiện vẫn còn giá trị đến hết năm nay. Tòa án Bundesverfassungsgericht yêu cầu Chính phủ thông qua tiêu chuẩn mới phải bắt đầu từ năm 2011. Quần áo không thuộc trường hợp khó khăn đặc biệt, bởi trẻ em không mặc vừa quần áo trong giai đoạn đang phát triển là chuyện "bình thường".

 

TRỢ CẤP CHI PHÍ ĐI THĂM QUAN TRONG NGÀY (TAGESAUSFLUG)

Con em thuộc các gia đình hưởng trợ cấp Hartz IV có thể đệ đơn xin chi phí đi thăm quan trong ngày, nếu việc này nhằm phục vụ chuẩn bị cho chuyến đi nghỉ của cả lớp (Klassenfahrt). Đó là phán quyết của Tòa án Bundessozialgericht với án số AZ.: B 14 AS 1/09 R, khi xét xử vụ kiện liên quan đến một trường hợp cụ thể sau: Lớp học chuẩn bị chuyến đi nghỉ tại Tirol bằng cách học 2 khóa trượt tuyết. Các học sinh chỉ được tham dự chuyến đó, khi đã học qua 2 khóa này. Gia đình của những học sinh trường Hartz IV liền đệ đơn xin trợ cấp chi phí, nhưng bị bác đơn. Họ khiếu nại lên tất cả các ban, ngành, và cuối cùng được Tòa Bundessozialgericht chấp nhận, bởi những khóa học này vốn để chuẩn bị cho chuyến đi nghỉ của cả lớp và Arge phải trợ cấp khoản chi này. Theo Luật xã hội SGB II, nhằm đảm bảo mức sống tối hiểu cho người hưởng Hartz IV, các cha mẹ đang hưởng Hartz IV có thể đệ đơn xi trợ cấp, nếu không có khả năng chi trả được phí tổn đi nghỉ cùng lớp của con mình. Điều 23, đoạn 3 viết: "Các chi phí trả cho... các chuyến đi nghỉ nhiều ngày cùng lớp theo quy định của nhà trường không nằm trong mức tiêu chuẩn trợ cấp. Chúng sẽ được trả riêng..."

 

TRỢ CẤP PHÍ CHUYỂN NHÀ CHO NGƯỜI HƯỞNG HARTZ IV

Theo phán quyết của Tòa án Xã hội Liên bang Bundessozialgericht tại Kassel, người hưởng Hartz IV chỉ có thể xin trợ cấp phí chuyển nhà tại cơ quan sở tại trong một vài trường hợp ngoại lệ. Các thẩm phán cũng ấn định rõ thời điểm người hưởng trợ cấp nhận lại khoản chi phí này (án số BSG, AZ.: B 14 AS 7/09 R). Phán quyết được đưa ra, khi Tòa xét xử vụ kiện của một cụ già 68 tuổi ở Hessen chuyển đến Wolfenbüttel để được ở gần con cháu, vào đầu năm 2005. Trước đó, Trung tâm giới thiệu việc làm (Jobcenter) đã yêu cầu ông chuyển nhà, vì tiền thuê nhà của ông không phù hợp. Ông thuê một dịch vụ chuyển nhà vận chuyển đồ với tổng chi phí 3705,10 Euro, đồng thời đệ đơn xin trợ cấp khoản tiền đó tại Jobcenter, nhưng bị từ chối. Ông kiện lên Tòa án Bundessozialgericht, bị tòa bác với lý do việc chuyển nhà đến Wolfenbüttel cách nơi ở cũ tới 400km là không cần thiết, cho dù muốn giảm tiền thuê nhà. Với lý do này, dù Jobcenter yêu cầu nguyên đơn chuyển nhà, ông cũng chỉ được nhận lại chi phí ở mức vừa phải. Tuy nhiên, các thẩm phán không đặt ra mức trợ cấp chính xác, mà chỉ nhấn mạnh, nếu tự tổ chức việc chuyển nhà sẽ đỡ tốn kém hơn, ví dụ như tự thuê một xe vận tải và thuê sinh viên giúp đỡ. Mới đây, Tòa xã hội tại Braunschweig vừa ra án quyết ấn định, chi phí chuyển nhà được trợ cấp tối đa 1.000 Euro. Nói chung, người hưởng Hartz IV được phép chuyển nhà, bất luận là ARGE có đồng ý hay không - quyền lợi này được nêu rõ trong điều 22, đoạn 2, dòng 1, Luật Xã hội SGB II - nhưng chi phí chuyển nhà chỉ có thể được trợ cấp trong các trường hợp như tuổi cao, bị tàn tật hoặc vì con nhỏ mà không thể tự tổ chức chuyển nhà được.

Cẩm Chi tổng hợp