Phông chữ
Tôi và chồng còn quốc tịch Việt Nam và hiện cùng làm Việt tại Đức. Do có nhiều khác biệt nên hiện chúng tôi muốn ly hôn. Vậy xin hỏi, thủ tục ly hôn của chúng tôi tốt nhất là nên làm ở Việt Nam hay ở Đức. Nếu làm ở trong nước thì cần làm như thế nào? (Lê Phương Linh, Berlin)


Trả lời:

Khoản 2 Điều 104 Luật Hôn nhân & Gia đình năm 2000 quy định: “Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú thì theo pháp luật Việt Nam”. Tuy nhiên trong câu hỏi bạn không nêu rõ là vợ chồng bạn đã có địa chỉ thường trú chung ở Đức nên vấn đề bạn hỏi tôi xin đưa ra làm 2 trường hợp giải quyết để bạn lựa chọn.

Nếu vợ chồng bạn không có địa chỉ thường trú ở Đức thì yêu cầu ly hôn của các bạn sẽ được tiến hành theo Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 của nước CHXHCN Việt Nam. Theo đó, cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn có yếu tố nước ngoài là Toà án Nhân dân tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương (Khoản 3 Điều 102 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000).

Do hiện nay vợ chồng bạn không cư trú ở Việt Nam và không có hộ khẩu thường trú ở Việt Nam nên theo quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 36 Bộ luật Tố tụng dân sự thì vợ chồng bạn có thể gửi đơn đến Toà án nơi cư trú làm việc cuối cùng ở Việt Nam. Hồ sơ ly hôn (trong trường hợp không có yêu cầu về nuôi con và chia tài sản chung) gồm: Đơn xin ly hôn, bản sao giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, hộ chiếu, các tài liệu liên quan để chứng minh nơi cư trú cuối cùng.

Nếu vợ chồng bạn có nơi cư trú chung tại Đức thì có thể yêu cầu Toà án có thẩm quyền tại Đức giải quyết. Sau đó, có thể tiến hành thủ tục công nhận bản án ly hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam để yêu cầu công nhận việc ly hôn đã tiến hành ở nước Đức.

Luật sư Phạm Công Hải
(Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội)