feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

tapchihuongviet tienghatxaxuNghệ thuật không hề có giới hạn và người ta sáng tạo ra vô vàn cách để kiếm tìm nó. Có thể nhận thấy rất rõ một điều rằng niềm đam mê dành cho âm nhạc của cộng đồng người Việt Nam đã vượt qua ranh giới mọi quốc gia.

Không cần biết con người ta tới từ đâu, ở xuất phát điểm nào, chỉ cần có tình yêu âm nhạc vô tận, những trái tim đồng điệu sẽ hòa vào làm một và cùng tỏa sáng.

Với mục tiêu kiếm tìm những tài năng âm nhạc tại châu Âu, "Tạp chí Hương Việt" và “Giai điệu yêu thương” đồng tổ chức cuộc thi Tiếng hát của những người con xa xứ, đánh dấu 5 năm Hương Việt ra đời và phát triển. Cuộc thi được tổ chức lần đầu tiên tại châu Âu với quy mô lớn, sơ khảo tại các nước châu Âu như: Anh, Pháp, Tiệp, Balan… và Chung kết tại CHLB Đức. Cuộc thi hứa hẹn sẽ là sân chơi bổ ích và lý thú với những người có niềm đam mê âm nhạc, không phân biệt lứa tuổi, trình độ.

Bạn tự tin với giọng hát của mình?
Bạn muốn thử thách chính mình?
Bạn có tình yêu vô tận dành cho âm nhạc?

Hãy đăng ký tham gia và tìm hiểu thêm về cuộc thi bằng cách click vào link sau: www.tienghat.huongviet.eu

Poster chung

Poster cuộc thi "Tiếng hát của những người con xa xứ"

Điều thú vị là cuộc thi năm nay có sự hiện diện của rất nhiều khách mời, vị giám khảo là những nghệ sĩ nổi tiếng trong nước và hải ngoại. Phóng viên của Tạp chí Hương Việt đã có cuộc trò chuyện ngắn với một trong những khách mời của cuộc thi năm nay - NSND Thanh Hoa. Hãy cùng bớt chút thời gian lắng nghe những chia sẻ của cô khi trở thành khách mời của cuộc thi cũng như những tâm sự bên lề về tình yêu với âm nhạc.

Hương Việt: Chào NSND Thanh Hoa!

NSND Thanh Hoa: Chào bạn, chào độc giả của tạp chí Hương Việt!

Hương Việt: Trở thành BGK của cuộc thi Tiếng hát của những người con xa xứ, cảm xúc của NSND Thanh Hoa như thế nào khi nhận được lời mời?

NSND Thanh Hoa: Đối với Thanh Hoa, việc nhận được lời mời làm khách mời của cuộc thi "Tiếng hát của những người con xa xứ" thực sự rất có ý nghĩa. Thực sự thì cuộc thi này cũng trùng lặp với ý tưởng của Thanh Hoa cách đây 7 năm. Thanh Hoa cũng đã từng muốn tổ chức cuộc thi “Tôi yêu tiếng nước tôi” dành cho những người Việt Nam trên toàn thế giới. Thanh Hoa đã từng ra nước ngoài rất nhiều và cũng nhìn thấy được những khát khao nghệ thuật, nhu cầu văn hóa của người Việt Nam trên toàn thế giới là rất lớn. Cũng phải thôi! Khi đời sống vật chất người ta ổn định, thì bao giờ người ta cũng có nhu cầu cao về tinh thần. Đó là quan niệm của Thanh Hoa. Khi người ta càng xa, thì người ta càng nhớ, càng có tình yêu thiêng liêng với quê hương, đất nước. Khi dân ta bị bão lụt, thiên tai, thì những người Việt Nam ở nước ngoài cũng có tinh thần đùm bọc, lá lành đùm lá rách. Thanh Hoa rất ủng hộ những cuộc thi như thế này! Nó giữ gìn tiếng Việt và nền văn hoá cội nguồn cho thế hệ thứ 3.

tapchihuongviet thanhhoa 000
NSND Thanh Hoa đang trò chuyện với phóng viên Tạp chí Hương Việt. Foto: Đức Hiệp

Hương Việt: Như NSND Thanh Hoa đã chia sẻ, cách đây 8 năm, cô có tham gia những liveshow hay những chuyến lưu diễn tại châu Âu. Vậy cảm xúc, ấn tượng của cô thế nào nước Đức cũng như khán giả Việt Nam trong những lần lưu diễn đó?

NSND Thanh Hoa: Thật ra đối với khán giả châu Âu thì Thanh Hoa đã rất quen thuộc rồi. Từ khi thành lập Thanh Hoa Concert, 8 năm trở lại đây thì năm nào Thanh Hoa cũng đưa các nghệ sĩ trẻ hoặc các ca sĩ vừa đoạt giải từ các cuộc thi sang phục vụ đồng bào ở châu Âu, đặc biệt là Đức, Áo. Đó là những nước mà Thanh Hoa đã đi biểu diễn rất nhiều.

Nước Đức là nước châu Âu Thanh Hoa đến muộn nhất, nhưng sau đó lại đến nhiều nhất (cười). Có đôi khi mình diễn ở Berlin thì có cảm giác như mình đang biểu diễn ở chính Việt Nam vậy. Khán giả Berlin rất nồng nhiệt, gần gũi, có gì đó rất chân thành và điều quan trọng nhất là họ yêu âm nhạc. Với khán giả ở München thì cảm xúc lại hoàn toàn khác. Những lần đầu biểu diễn, Thanh Hoa có cảm giác hơi xa lạ, tuy nhiên nó chỉ có trong 5 phút đầu mà thôi. Có những khán giả ở miền Nam, miền Trung hay những miền quê không gần Hà Nội mà Thanh Hoa nghĩ rằng cả đời họ không biết Thanh Hoa là ai cũng yêu cầu “Chị có thuộc bài hát Nam Bộ nào không?”. Khi Thanh Hoa hát “Anh ở đầu sông, em cuối sông”, “Gửi anh ở cuối sông Hồng”, tới khi hát gần xong thì cảm xúc gần như vỡ òa, mọi khoảng cách dường như được nối liền.

Thanh Hoa có nói, ở đây, hãy quên rằng chúng ta đang ở đâu, đến từ đâu, sống từ thời cuộc nào. Khi đến với âm nhạc thì âm nhạc luôn là nhịp cầu từ trái tim tới trái tim. Ở âm nhạc có hai điều: cái đầu tiên là thánh thiện, cái thứ hai là cái tình. Lúc đó, chỉ còn tình người mà thôi. Nó kéo tất cả mọi ranh giới với nhau. Ở hai cuộc chiến khi nghỉ địch và ta cùng nghe một bài tác phẩm nổi tiếng của thế giới. Cái cảm xúc như nhau, đó chính là âm nhạc! Có thể sau bài hát này, tôi và anh không cùng một chiến tuyến, nhưng khi đến với âm nhạc, không phân biệt anh là ai, tôi là ai, chúng ta cùng cảm xúc!

Thanh Hoa nghĩ rằng,  âm nhạc là cầu nối tình yêu thương giữa con người và con người, chia sẻ giữa giàu và nghèo, giữa các tầng lớp: nông dân, trí thức, buôn bán… Tất cả có thể nối với nhau bằng âm nhạc!

Hương Việt: NSND Thanh Hoa được mệnh danh là “người đàn bà hát” và có rất nhiều bài hát đi cùng năm tháng. Hiện nay có rất nhiều ca sĩ trẻ hát lại những bài hát này với phong cách phá cách, khác lạ. Cô nghĩ sao về điều này?

NSND Thanh Hoa: Nếu một tác phẩm chỉ để cho một ca sĩ hát, rồi đóng đinh ở đó thì thật là đáng buồn cho chính tác phẩm đó. Mặc dầu tác giả là người sinh ra bài hát, nhưng ca sĩ lại là người chắp cánh, một lần nữa tái tạo cho bài hát. Khi các thế hệ trẻ trình bày bài hát đó thì chứng tỏ bước đầu các bạn ấy đã thể hiện một sự không ngô nghê và thực sự đáng khích lệ họ trở lại với những giá trị đích thực của âm nhạc. Một bài hát từ rất lâu rồi mà được các bạn trẻ lựa chọn để hát, thì chứng tỏ được hai điều: một là bài hát đó có sức sống rất dai dẳng, hai là tuổi trẻ bây giờ cũng đã cảm nhận được cái hay của nó. Ta không thể đòi hỏi các em ấy phải hát hay như ta. Thanh Hoa nghĩ rằng không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới cũng vậy thôi: Thế hệ trước không thể áp đặt cho thế hệ sau! Mọi thứ đều theo quy luật của đất trời. Những gì là lịch sử, ta luôn luôn nâng niu, kính trọng, cho vào bảo tàng. Nhưng chẳng người nào có thể ngồi trong bảo tàng hẳn một tháng trời để gặm nhấm bức tượng đó cả, vì thế mà ta phải chấp nhận! Việc con cháu ta hát những bài hát đó, đã thể hiện tình yêu với văn hóa, với âm nhạc. Còn các bạn hát được đến đâu, hát thế nào thì phụ thuộc vào kiến thức, thẩm mĩ âm nhạc của các bạn. Quan trọng là họ đã tiếp nhận, còn có méo mó hay vòng vo đi chăng nữa thì sau cùng vẫn về đến đích. Sông nào cũng chảy về biển mà!

tapchihuongviet thanhhoa 000

Trong đợt lưu diễn lần này, NSND Thanh Hoa mang rất nhiều đĩa nhạc tặng cho người hâm mộ. Foto: Đức Hiệp

Hương Việt: Có một sự thật mà ai cũng phải công nhận đó là lứa tuổi hưởng ứng nhạc trữ tình nhiều nhất là lứa tuổi trung niên hoặc những người đã đi qua năm tháng, trải qua khói lửa thời chiến. Thế hệ trẻ hiện nay không mặn mà lắm với nhạc trữ tình mà luôn bận rộn với những thể loại âm nhạc khác như: Rap, Kpop, Rock… Điều này có làm Thanh Hoa buồn không?

NSND Thanh Hoa: Không! Thanh Hoa nghĩ là những dòng nhạc khác nhau đều có cái hay riêng và đều có cái đích riêng của nó. Nếu tôi buồn, chỉ buồn là cái nhạc nhẹ Việt Nam ấy, Rap đã ra Rap chưa? Rock đã thành Rock chưa? Hay kể cả Blue, jazz cũng vậy. Nó đã thực sự đến đích chưa mới là điều quan trọng. Mỗi dòng âm nhạc đều có giá trị riêng trong cuộc sống. Con người ta yêu dòng nhạc nào thì chứng tỏ văn hóa của người ta dừng ở đó.

Tuổi trẻ là phải sôi nổi, họ không có tội! Không thể bắt họ ngồi yên, ngâm nga trữ tình hay kể lể. Tại sao người ta có 1 chữ gọi là “thị trường”? Thực ra chẳng có loại nhạc nào gọi là nhạc thị trường cả. Ví dụ loại nhạc nào được các tầng lớp yêu thích rất lâu và đông thì đó nghĩa là nhạc của thị trường. Nó sống dai dẳng và phục vụ cho tầng lớp thích nó. Thanh  Hoa cho là như thế! Không có cái nào hơn cái nào. Bài “Áo lụa Hà Đông” “Thiên Thai”, “Trương Chi” rất hay, nhưng đừng bắt các bạn ấy ngồi nghe, sẽ khiến các bạn ấy tưởng như không có thời gian để thưởng thức mất! Các bạn ây thích cái gì nhanh, dễ hiểu. Đừng đánh giá tác phẩm là phải dài, phải nói được nhiều thứ.  Âm nhạc là khát vọng sống. Người ta chỉ có một khát vọng và hạnh phúc cũng rất đơn giản. Nếu như tất cả chúng ta hiểu được giá trị đích thực của thẩm mỹ, của cái đẹp, của âm nhạc thì chúng ta có thể thông cảm được với tất cả những gì đang hỗn độn ở xung quanh. Thanh Hoa muốn những giá trị nó phải rõ ràng ra: Giải trí là giải trí, thưởng thức là thưởng thức. Đừng bắt ai cũng phải thưởng thức. Người ta không thích thưởng thức thì chỉ thích giải trí thôi, đó là cuộc sống của người ta. Một đất nước nào dân trí cao thì âm nhạc cội nguồn, âm nhạc mang âm hưởng dân tộc của đất nước ấy sẽ được tôn vinh. Chỉ dân trí cao thì mới yêu những gì gọi là cội nguồn, yêu những gì là máu thịt, yêu những gì của ông bà để lại, những gì gọi là Tổ quốc, là quê hương. Một khi dân trí chưa đủ tầm để hiểu giá trị đích thực thì ép hay áp đặt cũng đều không được.

Hương Việt: Tình yêu với âm nhạc của NSND Thanh Hoa là rất lớn? Đã bao giờ những khó khăn trong cuộc sống khiến cho cô muốn từ bỏ nó chưa?

NSND Thanh Hoa: Dù trong cuộc đời cô đôi lần Thanh Hoa nghĩ tới cái chết nhưng chưa bao giờ Thanh Hoa nghĩ tới việc từ bỏ âm nhạc. 9 tuổi Thanh Hoa bắt đầu hát. Và dường như thượng đế sinh tôi ra để hát. Không biết nguyên cớ nào, chỉ biết tự nhiên tôi yêu nó. Trước khi đi ngủ hát, vừa đẻ con ra xong cũng… hát thử xem nó còn giọng không. Chưa đc 1 tiếng, người ta cấm nói thì tôi đã hát. Bác sĩ phải tới quát ầm lên: “Muốn băng huyết à?” Lúc đó tôi cũng có biết băng huyết là gì? Bế con ru con ngủ, thay vì “à ơi” thì tôi hát. Sau đợt ho, sợ bị mất giọng, 1h đêm đứng hát ầm ở khu tập thể . Tôi không lý giải được tại sao mình yêu hát đến thế, nếu biết có lẽ tôi đã dừng lại.

tapchihuongviet thanhhoa 000NSND Thanh Hoa và những phút trải lòng. Foto: Đức Hiệp

Hương Việt: Được biết NSND Thanh Hoa định cho ra cuốn tự truyện về cuộc đời mình, và rồi lại thôi. Phải chăng, có điều gì khiến cô còn lăn tăn?

NSND Thanh Hoa: Tự truyện là chính về cuộc đời mình, ta phải viết thật, ta không thể thêu dệt mà nó cũng không phải là kịch bản phim. Ta trân trọng chính cái thật của mình thì khán giả mới trân trọng được. Nhưng Thanh Hoa cảm nhận được rằng ở một xã hội quá bộn bề, mình chỉ là một hạt cát nhỏ mà thôi. Những gì Thanh Hoa sống và trải qua, giờ kể lại cũng ít người tin đó là thật. Cách đây 30 năm, nó thay đổi nhiều quá, không thể đòi hỏi cái bây giờ có thể chia sẻ với thứ cách đây 30 năm. Ai tin được là Thanh Hoa phải mặc quần áo bộ đội mua gạo mua thịt để không phải xếp hàng, để được ưu tiên? Bây giờ Hoa kể có khi lại thành một câu chuyện hài, biết đâu người ta lại bảo nói thế thôi, làm gì có. Những gì Thanh Hoa có giờ cũng chỉ là kỉ niệm. Thanh Hoa hiểu là có những người có thể chia sẻ được, nhưng cũng có những người không thể chia sẻ được. Bản thân Thanh Hoa cần sự chia sẻ, chứ không cần cuốn tự truyện đó ra để một lần nữa được nổi tiếng. Thanh Hoa muốn dâng tặng cuộc đời này một cuộc sống thật của một người nghệ sĩ đã dành cả cuộc đời này cho nền ca hát Việt Nam.

Hương Việt: Cảm ơn những chia sẻ của NSND Thanh Hoa. Thay mặt cho độc giả của Tạp chí Hương Việt, chúc Cô sẽ có thêm nhiều niềm vui, thành công trong sự nghiệp cũng như cuộc sống. Cũng chúc cho NSND Thanh Hoa có những kỉ niệm đẹp trong chuyến lưu diễn tại châu Âu lần này!

Vũ Quỳnh, tapchihuongviet.eu


Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.