Phông chữ

tapchihuongviet_truongsaBạn tôi, Tiến sỹ, Kiến trúc sư Phạm Ngọc Kỳ, cũng định cư tại Đức thấy tôi chuẩn bị về phép Việt Nam cứ dặn đi dặn lại: “Ông cứ về trước, tôi sẽ về sau...

Khi tôi về sẽ mời ông ra chơi Phú Quốc. Ở đấy tôi quen biết và thông thuộc nhiều. Sẽ có những sáng rủ ông dạo biển xem mặt trời mọc. Sẽ có những đêm mình cùng thức đi câu mực trong biển đen huyền bí. Rồi chiều ra nhà hàng của bạn tôi, chọn một góc ngồi nhìn ra biển, tụ tập thêm mấy người bạn, ông sẽ thấy cái thú khi ngồi nhậu mà nhìn thấy biển mênh mông ngay trước mắt, khi đọc thơ hay ngồi  hát trong tiếng sóng biển rì rào“. Tôi vốn thích biển từ khi chưa nhìn thấy biển bao giờ. Lại nữa, Phú Quốc cũng là hòn đảo tôi đã từng đặt chân. Năm 1975 khi vừa ra khỏi nhà tù trên đường đuổi theo đơn vị ra đảo Ông, đảo Bà nơi đơn vị tôi đóng quân ngày đó, tôi đã có mấy ngày sống ở đây. Nên nghe bạn rủ, tôi càng thêm háo hức. Cứ như đang tận mắt nhìn lại Thị trấn Dương Đông xinh đẹp và bãi biển Dương Tơ thơ mộng của hòn đảo ngọc nên thơ - Phú Quốc.

                     Vậy mà hôm tôi đang ngồi quán bia hơi ồn ào nơi vỉa hè Hà Nội bỗng thấy chuông điện thoại réo, nhấc lên nghe thấy tiếng ông bạn, tôi vồn vã hỏi: “Ông về Việt nam rồi hả? Bao giờ mình đi Phú Quốc thế?“. Bên đầu giây giọng ông bạn tỉnh queo: “Kế hoạch bỏ rồi ông ơi“. -“Sao thế?“ Tôi sẵng giọng hỏi. Bên kia giọng ông bạn vẫn như bông lơn: “Thì bởi tôi đang ở đảo rồi này. Chỉ có điều không phải là Phú Quốc mà là Trường Sa. Ông có nghe thấy tiếng sóng không?“. Tôi cố áp sát tai vào máy di dộng để hình dung ra tiếng sóng hung dữ nơi biển xa va bờ đá mà chỉ nghe thấy tiếng u u rè rè của sóng điện thoại rồi âm thanh đó cũng tắt hẳn chỉ còn lại tiếng ầm ào nơi quán bia. Trở lại bàn ngồi bên bạn bè với những cốc bia vàng sóng sánh mà tâm trí tôi cứ để ở mãi nơi có tiếng sóng. Nhớ tới biển đảo của một thời tôi canh giữ. Nhớ những ngày biển xanh sóng lặng, biển đẹp đến mê hồn. Nhớ những đêm sóng gầm, đứng bên công sự đá căng mắt nhìn biển đêm lồng lộn như thú dữ. Nhưng thuở đó, đầu còn xanh, tuổi còn trẻ lại vừa bước chân ra khỏi cuộc chiến, âm hưởng chiến thắng còn đang sôi trong huyết quản, những khó khăn gian khổ nào có xá chi. Đằng này chiến tranh thực chất đã lùi xa rồi. Tuổi giờ đã như mây trên đầu. Lại đang yên ổn ở một đất nước thật thanh bình và thật xa Trường Sa. Nơi ấy dù thế nào cũng là nơi đầu sóng ngọn gió. Là nơi duy nhất trên đất nước này vẫn luôn rình rập những hiểm họa. Vì thế, dấy lên trong tôi lúc này là cảm giác vừa khâm phục, vừa bất an. Dù thế nào bạn tôi cũng đang ở gần lũ cướp đảo, nơi họng súng của những kẻ tham vọng bành trướng sẵn sàng xả đạn cả về phía dân lành.

                Ngày gặp lại bạn ở Berlin vui khôn xiết. Cảm giác như đón người từ chiến trường trở về. Mới  có 12 ngày đêm sống trên biển mà da dẻ bạn tôi dường như đen sạm, rắn rỏi hơn. Niềm vui và cả một chút tự hào nữa ánh trong ánh mắt. Lại ngồi bên nhau với chai rượu trong một quán quen thuộc, cũng chỗ ngồi quen thuộc mà câu chuyện không thể tếu táo như mọi khi. Mà có muốn cũng chẳng thể bật cười bởi suốt câu chuyện bạn tôi chỉ nhắc tới Trường Sa. Có lúc hào hứng, có khi lại ngậm ngùi.

                 Tôi đi Trường Sa cũng là bất ngờ, bạn tôi kể. Số là nhân chuyến sang thăm và làm việc tại CHLB Đức, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao kiêm Chủ Nhiệm UBNNVNVNONG Nguyễn Thanh Sơn có cuộc gặp gỡ với các lãnh đạo hội đoàn người Việt. Trong buổi nói chuyện ông có thông báo về chuyến đi Trường Sa sắp tới và cho biết đại diện kiều bào tại Đức được cử 3 người tham gia chuyến đi này. Thế là tôi xung phong nhận ngay một xuất. Và chỉ mươi ngày sau là lên đường. Trong đoàn Việt kiều Đức còn có thêm 2 người nữa đi cùng: Anh Phạm Quang Thảo – Giám đốc công ty Asiagourmet group và Phạm Khánh Nam – Tổng biên tập Tạp chí Hương Việt. Phạm Khánh Nam được cử ngay đi cùng với tôi còn Phạm Quang Thảo thực ra không có tên đi lần này. Nhưng vì Thảo là bạn nên tôi rủ cùng đi cho có anh có em. Rồi cậy cục nhờ vả xin thêm chỉ tiêu. Thoạt đầu Thảo còn băn khoăn. Phần vì công việc công ty còn bừa bộn, phần vì lo cô vợ không cho anh đi đến nơi nghe nói còn chất chứa nhiều hiểm họa khôn lường. Không ngờ khi về đến nhà vừa ngập ngừng bày tỏ vợ anh đã giục:“Anh nhận lời ngay đi. Chẳng mấy khi có cơ hội đó đâu. Nhân tiện anh mang ít tiền ra đảo làm quà cho bà con, chiến sỹ ngoài đó. Chẳng mấy khi mình có dịp đến tận nơi để ủng hộ những người đang ngày đêm giữ đảo“. Được lời như cởi tấm lòng, Thảo đã hăng hái lên đường cùng bọn tôi còn dắt theo 200 triệu VNĐ làm quà cho lính. Sau chuyến đi, ngày đầu tiên trở về từ Trường Sa, vợ anh đã đón chồng bằng ánh mắt vừa yêu thương vừa thán phục. Lại thấy chồng vừa về đã say sưa sao chép hàng trăm bức ảnh, thu thập những đoạn video clip quay được ở Trường Sa làm thành hẳn một đĩa DVD tặng bạn bè, vợ anh đùa bảo anh đang bị ám ảnh bởi “hội chứng“ Trường Sa. Anh chỉ cười hiền cảm ơn vợ vì nhờ chuyến đi này anh thấy những ngày sống bình thường giờ như có ý nghĩa hơn. Có trải qua, có chứng kiến những khó khăn, thiếu thốn người ta mới biết yêu hơn, trân trọng hơn những cái bình thường mà mình vốn có. Mới nhận ra ngay cả những sinh hoạt đời thường như nắm tay vợ một buổi chiều đi dạo, đùa vui với con sau giờ làm, nhâm nhi ly cà phê trong quán nhỏ với bạn bè, những điều tưởng nhỏ nhặt ấy lại là ước mơ cháy bỏng của bất cứ người lính đảo nào, dù là chỉ huy hay chiến sỹ.


Ông Phạm Khánh Nam, ông Phạm Ngọc Kỳ và ông Phạm Quang Thảo (từ trái sang) vừa trở về từ Trường Sa.

            Trước hôm tàu nhổ neo rời cảng Cát Lái để ra đảo, chúng tôi được Bộ tư lệnh Hải quân quán triệt tình hình về chuyến đi nghiêm túc như truyền đạt mệnh lệnh cho những người lính trước trận đánh. Có những nguyên tắc bảo mật mà chúng tôi nhất nhất phải chấp hành. Đêm đó tôi không tài nào chợp mắt. Sau này lên tàu hỏi mọi người mới biết không phải chỉ mình tôi thao thức trước chuyến đi. Có những háo hức, bồn chồn như trước một cuộc du lịch khám phá. Có cả những hồi hộp, thấp thỏm như chuẩn bị được gặp những gì quá đỗi thiêng liêng.  Có cả những nỗi lo sợ, ngại ngần mơ hồ về những điều chưa từng biết đang chờ đợi mình nơi đầu sóng. Tâm trạng đó khiến mấy ai có thể ngủ yên?

Buổi giao lưu với kiều bào vừa trở về từ Trường Sa

             Sáng mùng 2/5/2013 tàu hải quân mang ký hiệu HQ-571 đưa đoàn công tác số 9 gồm kiều bào từ một số nước, chức sắc của đại diện 7 tôn giáo lớn trong cả nước, các hãng thông tấn báo chí cùng một số anh chị em ở đoàn văn công quân khu 5 nhằm hướng Trường Sa rẽ sóng. Đất liền thân yêu dần khuất xa mà phía trước chỉ mịt mù biển nước. Mất 2 ngày 2 đêm lênh đênh trên biển như vô định đến sớm ngày 4/5 chúng tôi mới nhìn thấy từ xa hòn đảo đầu tiên. Đấy là đảo Song Tử Tây. Đây cũng là hòn đảo đầu tiên thuộc quần đảo Trường Sa mà chúng tôi được đặt chân lên. Đi lênh đênh trên biển khi đặt chân lên đảo mới thấy hết sự thiêng liêng, gần gụi của mảnh đất giữa mênh mông biển khơi này. Nơi đây cũng là Tổ Quốc của chúng ta, quê hương của chúng ta. Chúng tôi làm lễ dâng hương tại chùa Song Tử Tây mà ngỡ như đang ở một ngôi chùa bình dị nào trong đất liền. Dâng hương bên tượng đài Trần Hưng Đạo mà thấy khí phách hào hùng chống xâm lăng của cha ông như vẫn vang vọng đâu đây. Trong hải trình 12 ngày đêm đến với Trường Sa chúng tôi đã tới được 8 hòn đảo lớn nhỏ: Song Tử Tây, Đá Nam, Sơn Ca, Sinh Tồn, Tiên Nữ, Tốc Tan, Trường Sa Đông,Trường Sa Lớn và nhà giàn DK1/15. Có đi mới thấu hiểu, những gian nan vất vả, những khó khăn thiếu thốn, cả những hy sinh thiệt thòi mà những người lính đảo đang kiên cường hứng chịu. Có đi mới biết, ý chí quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo nơi đầu sóng ngọn gió này của quân và dân ta là có thật. Đất nước sẽ vĩnh viễn trường tồn ở mãi tận đảo xa không phải chỉ vì những cột mốc chủ quyền được cắm sâu trong lòng đất, không phải chỉ vì những lá cờ Tổ Quốc tung bay ngạo nghễ giữa nắng và gió Biển Đông, cũng không hẳn ở những họng súng luôn nắm chắc trong tay những người lính mà nó nằm trong chính trái tim của những người đang giữ đảo. Câu nói hồn nhiên nhưng giống như một lời thề đanh thép của người lính tuổi chỉ mười tám đôi mươi:“Còn người là còn đảo“ khiến ai nghe cũng vừa khâm phục, tự hào vừa đau xót, ngậm ngùi. Nếu có biến, những người lính trẻ đó sẵn sàng quấn cờ vào mình làm cột mốc trước họng súng kẻ thù như cha anh đã từng làm để giữ từng tấc đất quê hương. Chẳng ai mong máu các anh phải đổ xuống cho đất nước này được trường tồn. Nhưng câu nói từ trái tim người lính đảo có sức cảm hóa đến cả những trái tim dù vô tình nhất. Nó tạo nên sợi dây liên kết tình đồng bào. Nó làm trường Sa gắn bó hơn với 90 triệu dân nơi đất liền, làm cho Trường Sa gần gũi, thiêng liêng hơn với 4 triệu kiều bào đang sống ở hơn 104 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Sợi dây liên kết đó chính là sự đoàn kết, đồng lòng. Nó có giá trị như một sức mạnh duy trì sự trường tồn của một Đất nước, một Dân tộc.

tapchihuongviet_truongsa_000

Chụp ảnh kỷ niệm tại cột mốc đảo Song Tử Tây

              Nói đến đấy giọng bạn tôi như nghẹn lại. Tôi thấy mình như được tiếp thêm lửa. Máu trong huyết mạch như chảy mạnh hơn. Tôi thèm được như bạn tôi một lần đứng dưới cột mốc chủ quyền nơi Trường Sa ngẩng đầu nhìn lên bầu trời cao rộng để hiểu về lòng yêu nước ở nơi đây chân thực và cụ thể đến thế nào. Bỗng bạn hỏi: “Ông đã đọc bài thơ“ Tổ quốc nhìn từ biển“ của nguyễn Việt Chiến chưa?“ Thương đất nước trên ba ngàn hòn đảo/ Suốt ngàn năm bóng giặc vẫn chập chờn“. Quả thật phải ra Trường Sa và nhìn từ Trường Sa mới nhận thấy đất nước mình chưa một ngày trọn vẹn hòa bình, ít nhất điều đó đúng đối với những cư dân và những người lính đảo, với những người từ muôn nơi ở đất liền nhưng luôn đau đáu hướng về Trường Sa.

              “Ra Trường Sa lần này sự kiện nào gây cho ông và mọi người ấn tượng mạnh nhất ngoài hình ảnh người lính mà ông đã nói“? Tôi chợt hỏi.- “Vẫn là những người lính“ bạn tôi đáp ngay.“Ông có nhớ câu thơ của Lê Bá Dương, một người đã từng tham chiến ở Thành cổ Quảng Trị viết về đồng đội mình không?“ Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông nơi đó bạn tôi nằm“. Ở Trường Sa tình cảm của những người lính dành cho những đồng đội đã hy sinh vì biển đảo cũng thiêng liêng cảm động như thế. Hôm tàu của chúng tôi neo đậu ở khu vực đảo Cô Lin để làm lễ tưởng niệm 64 Liệt sỹ hy sinh trong khi bảo vệ đảo Gạc Ma ngày 14/03/1988, tôi đã không thấy những người lính trên tàu câu cá như mọi lần. Thấy lạ, tôi liền hỏi. Và câu trả lời của họ đã khiến tôi cảm động cho đến mãi sau này: “Cá ở đây là của đồng đội chúng em còn đang nằm dưới đó“. Vì thế dù biết khu vực này lắm cá lớn nhưng không một người lính nào nỡ buông câu.

                 Trong buổi Lễ tưởng niệm tổ chức ngay trên boong tàu neo đậu đối diện với đảo Gạc Ma hôm đó, Đại tá Đỗ Minh Thái, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân, trưởng đoàn công tác đã nghẹn ngào đọc lời tri ân công trạng các Liệt sỹ khiến bao người cảm động không cầm được nước mắt. Đọc xong, khi mọi người thả đăng, thả hoa xuống biển cho linh hồn những người đã khuất, tôi nhìn thấy người cán bộ chỉ huy dạn dày sương gió đó đứng lặng nơi cuối tàu giơ tay chào đồng đội theo đúng điều lệ mà nước mắt lưng tròng. (Phạm Quang Thảo đã ghi được vào ống kính của anh khoảnh khắc cảm động đó). Trong ráng đỏ của buổi chiều tà, những hoa, đăng lung linh ánh nến vừa được thả xuống kết thành một dòng, rồi như có phép lạ, cùng trôi về phía Gạc Ma nơi các anh đã anh dũng hy sinh. Tàu hú lên mấy hồi còi dài như lời chào của những người đang có mặt gửi tới các anh còn nằm đó. Phía đối diện, khối sắt thép đen sì nơi đảo Gạc Ma vẫn bất động, dù trong đó hàng trăm ánh mắt của kẻ thủ ác vẫn săm soi.

                   Kể đến đó diễn giả Phạm ngọc Kỳ nước mắt dưng dưng. Cả hội trường Viethaus trong buổi giao lưu nói chuyện về Trường Sa do các anh tổ chức sau chuyến đi, im phăng phắc. Rất nhiều người đã khóc. Cả người cựu chiến binh năm xưa từng xông pha trận mạc, cận kề bao lần với cái chết cũng khóc như chưa từng bao giờ phải khóc. Những giọt nước mắt cho anh linh những người đã khuất. Cả những giọt nước mắt cảm phục những tấm lòng vì biển đảo như của bạn tôi, như của bao kiều bào yêu nước khác đã đến với Trường Sa và truyền lại những cảm xúc yêu thương vì Trường sa cho những người chưa có dịp tận mắt thấy nơi này. Bạn tôi vì xúc động đã không thể tếp tục cuộc nói chuyện và nhờ tôi lên đọc hộ bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển“. Tôi cũng ngậm ngùi không kém nhưng đã đem tất cả những tình cảm nhận được từ bạn tôi về Trường Sa để đọc bài thơ này:

 “…Nếu Tổ quốc neo mình đầu sóng cả
Những chàng trai ra đảo đã quên mình
Một sắc chỉ về Hoàng Sa thuở trước 
Còn truyền đời con cháu mãi đinh ninh

Nếu Tổ quốc nhìn từ bao mất mát
Máu xương kia dằng dặc suốt ngàn đời
Hồn dân tộc ngàn năm không chịu khuất
Dáng con tàu vẫn hướng mãi ra khơi“

                Hồn Dân tộc như con tàu vẫn hướng mãi ra khơi, băng qua mọi sóng cản với sức mạnh từ cánh tay và con tim của mỗi người lính đảo, cả với tấm lòng của mỗi người dân Việt, trong đó có cả bạn, có cả tôi.

  • Berlin, 20/06/2013. Hùng Lý, tapchihuongviet.eu

Chùm ảnh:

>> Trường Sa - trong trái tim người Việt xa quê

>> Chương trình giới thiệu hình ảnh và giao lưu cảm xúc của kiều bào vừa trở về từ Trường Sa