Phông chữ

tapchihuongviet_trdkhoaLà  một trong những diễn giả hàng đầu của Việt Nam và chuyên gia đào tạo các khóa học về kỹ năng sống dành cho các bạn học sinh , sinh viên từ độ tuổi 14-24, đồng thời cũng là dịch giả của những cuốn sách bán chạy nhất trong ba năm 2008, 2009, 2010 như ...

„Tôi tài giỏi, bạn cũng thế“, „Con cái chúng ta đều giỏi“, „Cảm hứng sống theo bảy thói quen thành đạt“, Trần Đăng Khoa từ lâu đã trở thành một cái tên quen thuộc đối với các bạn trẻ Việt Nam ngày nay.

Từng sống, học tập và làm việc ở nước ngoài nhiều năm, khi trở về Trần Đăng Khoa luôn khao khát một ước mơ rằng trong mười năm sẽ giúp một triệu người Việt Nam thành công. Đối với anh, sự thành công không chỉ là sống tự do với ước mơ của mình mà còn là góp phần cống hiến cho xã hội để từng bước vươn tới những mục tiêu to lớn mỗi ngày. Những thông điệp mà Trần Đăng Khoa muốn gửi gắm tới các bạn trẻ không chỉ là sống và khát vọng mà quan trọng hơn nữa đó là ý chí và niềm tin, rằng: „Điều quan trọng nhất không phải là thời điểm bạn đạt được mục tiêu, mà là đoạn đường bạn đã can đảm đi qua để đạt được nó. Nếu bạn muốn cảm thấy hạnh phúc và không bao giờ nản chí, thì bạn cần phải biết trân trọng đoạn đường đó, trân trọng công sức và nỗ lực của chính bản thân mình“.

Phóng viên của Tạp chí Hương Việt đã có một cuộc trò chuyện với diễn giả Trần Đăng Khoa trong những ngày giữa tháng 4.

Hương Việt: Tại hội nghị tổng kết phát hành sách năm 2010 vừa qua cuốn sách „Tôi tài giỏi, bạn cũng thế“  đã đạt số lượng 150.000 bản tạo nên kỷ lục của ngành xuất bản sách quốc văn. Đó có phải là một thành công lớn của anh?

Trần Đăng Khoa: Đây thật sự là một tin rất vui đối với chúng tôi, một cột mốc đánh dấu chặng đường không ngơi nghỉ để mang quyển sách hữu ích này đến tay ngày càng nhiều độc giả trên khắp đất nước Việt Nam.

Hương Việt: „Tôi tài giỏi, bạn cũng thế“ chỉ  bán được có hơn 200 cuốn trong 4 tháng đầu trong tổng số 5000 cuốn  được in, đó là một thất bại và  là những tháng ngày  đen tối của anh. Nếu như  không gặp được sự  nhạy bén của Trưởng phòng kinh doanh nội địa của FAHASA ở thời điểm đó thì anh có nghĩ mình sẽ thành công như ngày hôm nay không?

Trần Đăng Khoa: Bản thân tôi không xem đó là „thất bại“, mà là một „bài học kinh nghiệm“ quý báu. Thành công mà chúng tôi đạt được ngày hôm này là kết quả của những tháng ngày cần mẫn dịch sách, chăm chút đến từng chi tiết để cho ra đời một quyển sách chất lượng cao cùng với sự kiên trì, quyết tâm mạnh mẽ mang quyển sách đó đến tay độc giả Việt Nam của cả một tập thể.

tapchihuongviet_trdkhoa_001

Hương Việt: Bỏ ra một khoản tiền lớn để mua bản quyền cuốn sách “ Tôi tài giỏi, bạn cũng thế” của Adams Khoo , nửa năm trời dồn bao nhiêu công sức vào để dịch nó sang tiếng Việt rồi sau đó bỏ ra hơn 200 triệu để in mặc dù thời điểm đó anh không hề biết kết quả của nó ra sao, tại sao anh lại quyết định mạo hiểm như vậy?

Trần Đăng Khoa: Khi quyết định nghỉ làm để ở nhà  chuyên tâm dịch sách, tôi chỉ quan tâm một điều duy nhất là dịch thật hay và mang cuốn sách này về Việt Nam để giúp các bạn trẻ được tiếp cận với những phương pháp học tập tiên tiến nhất. Tôi tin vào những gì mình làm và tập trung nỗ lực hết sức mình để thực hiện nó.

Hương Việt: Anh từng phát biểu: „Mục tiêu của tôi là  giúp 1 triệu người Việt Nam hạnh phúc và thành công hơn nhờ những quyển sách, những buổi hội thảo và những khóa học của tôi“, anh thấy mình đã đi được bao nhiêu chặng đường rồi ?

Trần Đăng Khoa: Thực sự khi tôi đặt ra mục tiêu  đó, tôi nghĩ rằng mình sẽ mất cũng gần 10 năm  để đạt được nó. Nhưng điều ngạc nhiên là  chỉ sau 2 năm kể từ khi khóa học Tôi Tài Giỏi đầu tiên được tổ chức, tới nay đã có hàng trăm bạn trẻ cùng đồng hành với tôi trong đội ngũ TGM để giúp cho mục tiêu đó ngày càng được hiện thực hóa mạnh mẽ với và tốc độ nhanh chóng hơn.

Nếu tính theo những con số thống kê với hơn 200.000 quyển sách được bán ra, hơn 400.000 ebook được phân phối,  hàng chục ngàn học viên và thính giả đã tham gia các các khóa học và hội thảo thì tôi đã đi được hơn nửa chặng đường. 

Hương Việt: Nhiều người có vẻ  hoài nghi nếu không nói là  thất vọng đối với các bạn trẻ ngày nay, họ cho rắng thế giới của các bạn trẻ bây giờ rộng lớn hơn và thay đổi cũng nhanh hơn, họ sống thực dụng hơn và ít lý tưởng hơn. Nhưng anh lại cho rằng các bạn trẻ bây giờ thật tuyệt vời, vậy anh có thể cho bạn đọc của tạp chí Hương Việt biết vì sao anh có những suy nghĩ và nhận định như thế?

Trần  Đăng Khoa: Về  vấn đề này, tôi đã viết một bài chia sẻ  trên tùy bút của mình. Hôm nay xin được chia sẻ lại với các bạn quan điểm của tôi.

Đúng là thế giới của các bạn trẻ ngày nay rộng lớn hơn và năng động hơn. Điều đó có thể hữu ích hoặc không hữu ích với các bạn trẻ tùy theo cách mà họ sống. Tuy nhiên, cái xấu thường thu hút sự tò mò. Cho nên nếu chỉ dựa vào những thông tin bề nổi để đánh giá cả một thế hệ như vậy liệu có công bằng? Thế hệ nào cũng có những nét đẹp và những điều chưa hay. Tôi tự hỏi, liệu vào cái thời 8x chúng tôi đang vẫn còn là teens, nếu các phương tiện truyền thông đại chúng cộng đồng (blog, mạng xã hội, chat,…) cũng phát triển mạnh mẽ như hiện nay, liệu chúng tôi có cùng chung số phận với 9x ngày nay. Câu trả lời gần như chắc chắn là: “Có!”. Thế hệ 8x, 7x hay thậm chí 6x, 5x,… cũng đều có những mặt giới hạn riêng. Tôi vẫn còn nhớ một câu chuyện vui. Câu chuyện kể về vị đại biểu quốc hội nọ đứng lên đọc một bài báo viết rất hùng hồn về những cái chưa được của thế hệ trẻ. Sau đó, ông ta được cả quốc hội vỗ tay tán dương một cách hết sức nồng nhiệt. Đợi cho tiếng vỗ tay chấm dứt, ông ta mới nói nốt ý cuối cùng: “Bài báo tôi vừa đọc cho quý đại biểu nghe được viết cách đây hơn… 30 năm về trước”.

Cho nên, nếu thế hệ 8x (và lớn hơn) hôm nay nghĩ  rằng chúng ta đã từng sống tốt hơn thế hệ  9x sau này, thì có lẽ chúng ta cần phải…  suy nghĩ lại. Tôi tin rằng chúng ta đã và đang sống tốt, nhưng điều đó không có nghĩa là cả thế hệ của chúng ta tốt hay xấu hay hơn thua một thế hệ nào cả. Những gì mà một thế hệ làm được cho xã hội hay đất nước phải được đánh giá bằng kết quả chung đặt trong hoàn cảnh lịch sử và từ những nỗ lực của cả thế hệ ấy chứ không phải bằng những gì (tốt hay xấu) mà một vài cá nhân đang thể hiện.

Hương Việt: Ngày nay nhiều tri thức trẻ  người Việt thành danh ở  các trường ĐH danh tiếng đều không muốn có  ý định trở về  VN bởi điều kiện nước nhà  còn thiếu thốn, không đáp ứng được những khát khao của họ, còn anh lại quyết định trở về. Vì dòng máu quê hương hay Việt Nam có điều gì đó đang hứa hẹn anh?

Trần Đăng Khoa: Việc  này tùy thuộc vào cách nhìn nhận của mỗi người. Tôi tin các bạn cũng đồng ý rằng cùng một sự việc, có người cho rằng đó là khó khăn nhưng lại có người nhìn thấy đó là cơ hội, là thử thách. Với tôi thì đó là thử thách vì tôi nhìn thấy cơ hội đóng góp cho nền giáo dục nước nhà.

Đúng là „Vạn sự khởi đầu nan“. Ban đầu thì nguy cơ nhiều hơn thuận lợi. Nhưng nguy cơ gồm hai chữ, chữ “nguy” là sự hiểm nguy và chữ “cơ” là cơ hội. Trong hiểm nguy luôn tiềm ẩn cơ hội. Miễn là bạn dám đương đầu với nguy cơ thì bạn sẽ nhìn thấy sự việc ở khía cạnh tích cực hơn.

Hương Việt: Có ý kiến cho rằng tình yêu quê cha đất tổ thì ai trong chúng ta cũng có, nhưng đôi khi vì yêu mà chúng ta phải ra đi và ở lại để học hỏi, để tiến bộ, để tăng thêm nhận thức, để biết đúng biết sai, để có điều kiện đóng góp cho nhân loại, để tạo danh tiếng cho quê hương, để có thể giúp đỡ gia đình, đó cũng là một cách đóng góp cho tổ quốc từ xa. Anh nghĩ như thế nào về điều đó?

Trần Đăng Khoa: Bản thân tôi cũng từng học tập và làm việc nhiều năm ở nước ngoài. Tôi hiểu rằng việc chúng ta đi đến những đất nước mới, học hỏi những điều mới để tiến bộ là điều rất cần thiết. Cho nên điều quan không phải là bạn đang sống ở đâu, điều quan trọng là bạn đã và sẽ cống hiến cho đất nước như thế nào?

Hương Việt: Có những người phải  đi gần tới cuối cuộc  đời mới nhận ra những qui luật và  các con đường để thành công và hạnh phúc, nhưng anh đã làm được điều đó từ trước tuổi 30, đó có phải là một may mắn?

Trần Đăng Khoa: Bạn có thể thấy rất nhiều người trên thế giới đã thành công ở lứa tuổi còn rất trẻ. Vậy tất cả họ đều gặp may? Không, họ thành công hoàn toàn là do nỗ lực. Bạn thấy đó, việc nhận ra những quy luật để thành công không phụ thuộc vào việc bạn sống bao nhiêu năm. Nó phụ thuộc vào việc bạn sống như thế nào. 

Nhưng sống tốt cũng chưa đủ, bạn còn phải tìm cách rèn luyện bản thân. Những khó khăn, thất bại trong những năm đầu của lập nghiệp khiến tôi nhận ra một điều rằng đầu tư cho bản thân là điều hết sức quan trọng. Thông qua những khóa học phát triển bản thân của AKLTG và những cuốn sách hay, tôi học hỏi được những điều mà những người khác phải mất rất nhiều năm để nhận ra, hoặc thậm chí họ phải trả cái giá quá đắt để học được điều đó. Chính nhờ sự học hỏi và nỗ lực, từ một cao thủ nghiện game, tôi đã trở thành một doanh nhân, một người biết cách làm chủ cuộc sống của mình.

Hương Việt: Trong các khóa học và những trang sách của mình, anh đã nhắn nhủ với các bạn trẻ Việt Nam rằng hãy biết vượt lên chính mình, tự lập, sống vì những ước mơ của mình và đừng bao giờ từ bỏ nó, vậy anh có muốn nhắn nhủ thêm điều gì với các bạn trẻ Việt Nam hiện đang sống và học tập ở Châu âu nói chung và nước Đức nói riêng?

Trần  Đăng Khoa: Tôi muốn nói một điều với các bạn trẻ  ở nước ngoài rằng: Với số lượng ít ỏi sinh sống trên xứ người, những người Việt Nam ở nước ngoài thường được người dân bản xứ xem là đại diện của cả một dân tộc. Do đó, chúng ta cần hết sức cẩn trọng trong lời nói và hành động của mình để tránh không mang tiếng xấu cho đất nước mình. Các bạn đang sống trong một môi trường hiện đại, đầy cạnh tranh và thử thách. Các bạn có thể có những kỹ năng tốt nhờ môi trường năng động này, vì vậy hãy tận dụng cơ hội để học hỏi và tìm cách vươn lên. Bên cạnh đó, tìm thấy một cách nào đó để vươn lên thôi thì vẫn là không đủ. Các bạn cũng cần phải  tìm cách vừa vươn tới thành công vừa làm cho cuộc sống của chính mình, và nếu được thì cả những người xung quanh, thêm phần ý nghĩa.

Cuối cùng, tôi luôn mong muốn được chia sẻ những điều thú vị  và hữu ích với mọi người. Nếu muốn, bạn cũng có thể giao lưu với tôi qua trang web: www.trandangkhoa.com

Hương Việt: Xin cảm ơn anh về  cuộc trò chuyện, thay mặt cho Tạp chí  Hương Việt, Yến Anh chúc cho tất cả  những ước mơ và dự  định của anh sẽ trở  thành hiện thực.

  • Thực hiện: Hoàng Yến Anh, tapchihuongviet.eu