Phông chữ

Mang trong mình dòng máu Việt Nam của bố nhưng sinh lại sinh ra và lớn lên trên quê hương nước Đức của mẹ.

25 tuổi và hiện đang sống và làm việc cho một công ty viễn thông ở Thụy Sĩ, cũng như bao những con người Việt Nam khác, Trần Đình Minh cũng dành cho Việt Nam một tình yêu bao la vô bờ bến. Đối với Minh, Việt Nam là cội nguồn, là gốc rễ, là nơi Minh có thể trở về. Những ngày cuối tháng 2, phóng viên của Tạp chí Hương Việt đã có một cuộc trò chuyện thú vị cùng Minh và ghi lại những lời tâm sự của anh.


„Bố tôi là người Việt và xuất thân từ quê hương Hà Tĩnh, tôi học được từ bố của mình rất nhiều điều . Bố dạy cho tôi học tiếng Việt , lối sống, cách suy nghĩ và cả những phong tục tập quán về Việt Nam. Tôi nhớ khi còn sống bố thường dặn tôi rằng hãy luôn luôn tôn trọng người khác bất kể mình có thích họ hay không. Khi nghĩ đến Việt Nam, điều đầu tiên tôi nghĩ tới là gia đình và bạn bè. Nếu bạn hỏi tôi rằng quê hương của tôi ở đâu thì thật là khó. Nếu định nghĩa quê hương là một nơi chốn để trở về thì đó là Việt Nam, còn nếu định nghĩa quê hương là nơi sinh ra và lớn lên thì đó là nước Đức.

Lần đầu tiên tôi trở về Việt Nam là khi tôi bốn tuổi rưỡi, lúc đó tôi về với bố tới tận gần nửa năm và cho đến bây giờ tôi vẫn rất thích nhớ lại khoảng thời gian đã qua ấy. Đó là những ngày tôi cùng các anh chị em họ cưỡi trâu trên những cánh đồng, tôi tập học tiếng Việt còn những người thân trong gia đình bên nội thì tập học tiếng Đức. Tôi nhớ ngày đó gia đình bên nội tôi đang chuẩn bị xây nhà ở thị xã Hà Tĩnh thì lúc đó chúng tôi phải trở về Đức mặc dù tôi không muốn xa họ một chút nào. Từ đó, hầu như năm nào tôi cũng trở về Việt Nam. Khi tôi 12 tuổi, tôi có một cô giáo dạy riêng tiếng Việt cho mình ở Việt Nam vào kì nghỉ, đó là một chị sinh viên đi làm thêm để kiếm tiền trang trải. Thế nên bây giờ tôi đọc được tiếng Việt  khá tốt nhưng lại không hiểu hết được hết tất cả, đôi khi vẫn phải dùng đến từ điển, song những ý quan trọng thì tôi có thể chắt lọc ra được. Còn khi viết thì đôi khi tôi vẫn bị hay nhầm dấu và sai lỗi chính tả. Sau này thì do bận với công việc học nên tôi không về thường xuyên hơn được như trước, nhưng khi có cơ hội là tôi luôn mong muốn được trở về.

 
 
Từ khi bố tôi mất, cuộc sống của tôi cũng thay đổi rất nhiều. Thời gian đó tôi đang học và làm việc ở Stuttgart. Bố tôi là con cả trong gia đình, tôi lại là con trai trưởng của bố nên mọi việc trong gia đình tôi cũng đều phải đảm nhiệm. Rồi mẹ tôi có bạn trai mới, giữa chúng tôi đã xảy ra nhiều xung đột và tôi đã tự lập hoàn toàn. Tự kiếm tiền, tự học, tự nuôi sống bản thân. Đó là một khoảng thời gian vô cùng khó khăn, tôi thực sự cần một ai đấy để lắng nghe tôi. Thời gian đó tôi đã tham gia vào một diễn đàn Việt-Đức và làm quen với rất nhiều người, trong đó có một người đã trở thành mẹ nuôi tôi sau này. Tôi quyết định chuyển sang Thụy Sĩ sống và làm việc, ở đó tôi có người mẹ nuôi Thụy Sĩ hết lòng vì tôi, có những người em thân thương đã xem tôi như người anh thực sự của chúng. Tôi và mẹ nuôi tôi đã cùng nhau về Việt Nam ba lần và mỗi lần trở lại mẹ nuôi tôi cũng có cảm giác như là được „ trở về nhà“.

Tôi rất thích phong cảnh, con người và lối sống ở Việt Nam. Người Việt Nam sống rất biết điều, nhưng điều khiến tôi thấy rất tiếc đó là đôi khi Việt Nam „bắt chước“ lối sống của các nước phương Tây và Mĩ nhiều quá, thế nên họ đang dần đánh mất đi nền văn hóa cổ truyền. Không ai tới Đức hay Thụy Sĩ vì con người nơi đó mà thường vì núi, vì hồ, nhưng người ta lại tới Việt Nam vì con người nơi đó. Tôi học được từ Việt Nam rất nhiều thứ, đó là gia đình là thứ quan trọng nhất và luôn đứng ở vị trí đầu tiên. Mặc dù vậy, mỗi lần tới Việt Nam, đối với nhiều người, trong mắt họ tôi đã, đang và vẫn sẽ mãi là một người ngoại quốc. Có thể đôi khi tôi nhìn không giống người Việt Nam thực thụ nhưng khi nhìn những người ngoại quốc khác tới Việt Nam thì tôi biết chắc chắn rằng tôi là người Việt Nam.

Tôi rất muốn một ngày nào đó sẽ trở về Việt Nam làm việc trong một khoảng thời gian nhất định, có thể là cho công ty mà tôi đang làm hiện tại bây giờ vì công ty tôi có rất nhiều khách hàng quốc tế từ khắp nơi trên thế giới. Nhưng ý tưởng đó cho đến bây giờ vẫn chưa trở thành hiện thực, nhưng tôi mới chỉ 25 và vẫn đang còn trẻ. Tôi tin vẫn còn nhiều cơ hội đang chờ tôi ở phía trước“

Thực hiện:
Hoàng Yến Anh