feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ

Có  lẽ những người yêu Guitar ở Việt Nam đã không còn thấy xa lạ với cái tên Đăng Ngọc Long bởi anh là người Việt đầu tiên giành giải nhất Guitar thế giới năm 1987 ở Hungary.

 Phóng viên Tạp chí Hương Việt đã có dịp gặp gỡ và có một cuộc trò chuyện ngắn ngủi với giáo sư trong những ngày cuối tháng 7 ở Berlin.

Hương Việt: Giáo sư có nghĩ  Hungary là nơi đã chắp nguồn cho sự  thành công lớn của giáo sư ngày đó vì ở mảnh đất ấy thế giới lần đầu tiên biết đến Guitar Việt Nam?

GS Đặng Ngọc Long: Không thể nói là Hungary được vì lúc đó là Cộng hòa dân chủ Đức đã đấu tranh cho tôi đi thi cuộc thi đấy. Nếu hồi đó bộ văn hóa Đức không quyết định cho tôi đi theo đoàn của Đức thì cũng không có ngày hôm nay. Đức là nơi đã đào tạo tôi và tạo điều kiện cho tôi tham dự cuộc thi, Hungary chỉ là nơi để luyện thi thôi.
 
Hương Việt: Giáo sư đang giữ chức hiệu trưởng của trường nhạc Berlin-Gesundbrunnen, vậy có bao giờ giáo sư nghĩ một ngày nào đó giáo sư sẽ từ bỏ chức vụ đó để trở về  quê hương giảng dạy?

GS Đặng Ngọc Long: Nói để từ bỏ cái vị trí hiện nay để về Việt Nam giảng dạy chắc là không có, nhưng mà hỗ trợ Việt Nam, đóng góp cho Việt Nam về vấn đề đào tạo. Mình học nhiều ở nước ngoài, phục vụ ở nước ngoài nhiều rồi, đến thời điểm này cũng nghĩ muốn đóng góp một cái gì đó cho Việt Nam thì mình có thể về giảng dạy, bồi dưỡng nâng cao cho các giáo viên ở Việt Nam cũng như giới thiệu các kỹ thuật mới hiện đại của châu Âu cho các nghệ sỹ, các thầy giáo ở Việt Nam làm quen. Thực ra Việt Nam cũng hội nhập nhiều nhưng nếu không có người dẫn dắt đưa đẩy thì cũng khó mà hòa nhập được bởi Việt Nam vẫn có suy nghĩ rât là cổ xưa, vẫn không mạnh dạn tiến sâu vào khoa học công nghệ. Trong nghệ thuật cũng vậy, người ta vẫn có cái gì tưởng tượng quá, âm nhạc đã là một sự tưởng tượng rồi, bây giờ không có người nào đem chắp cánh mà nhìn thấy thì cũng khó mà tiếp nhận được, nên tôi nghĩ việc đó tôi có thể đóng góp được cho Việt Nam, còn để nói mà từ bỏ nơi tôi có nhiều kỷ niệm, nơi tôi đã trưởng thành thì đó là điều tôi không nghĩ tới.

Hương Việt: Giáo sư từng phát biểu rằng chú đang ấp ủ thực hiện nhiều điều tại quê nhà, vậy giáo sư có thể bật mí cho độc giả Tạp chí Hương Việt biết những dự định đó sắp hoàn thành chưa ạ?

GS Đặng Ngọc Long:Kế hoạch sắp tới thì tôi sẽ về Việt Nam nhiều. Có một số các nhà doanh nghiệp đã nghĩ đến việc sẽ thành lập một trường âm nhạc mà được tài trợ các giáo sư, các nghệ sỹ nổi tiếng nước ngoài vào trực tiếp giảng dạy cho các em học trò ở Việt Nam. Tôi cũng nhận lời một số nơi như vậy và tôi sẵn sàng cung cấp các giáo viên có trình độ chuyên môn ở Đức sang Việt Nam dạy. Tôi cũng dự tính nhiều nhưng để mà cụ thể ngày giờ, năm tháng thì phải do phía Việt Nam, còn bên này tôi sẵn sàng giúp đỡ về công nghệ đào tạo.
 
 
Hương Việt: Giáo sư có nghĩ  rằng qua nền âm nhạc của mình, nước Đức nói riêng và thế giới nói chung sẽ biết đến Việt Nam nhiều hơn? Và giáo sư sẽ làm như thế nào để chứng minh được điều đó?

GS Đặng Ngọc Long: Nói về nền âm nhạc có vẻ lớn lao quá nhưng tôi chỉ nói trong phạm vi của tôi đó là ngành Guitar chẳng hạn. Trong ngành sáng tác âm nhạc cho Guitar thì đương nhiên là qua các tác phẩm dân ca Việt Nam. Tôi đi biểu diễn người ta yêu cầu đánh những tác phẩm pha trộn dân ca hiện đại. Đây là cách rất hay để lưu truyền dân ca Việt Nam qua các tác phẩm âm nhạc của mình, như thế không những nước Đức mà thế giới sẽ biết đến âm nhạc của mình. Đặc biệt tôi may mắn là thành viên trong hội đồng giám khảo thi quốc tế tại Berlin. Tôi được đặt hàng chọn những tác phẩm pha trộn dân ca hiện đại với dân ca Việt Nam được đưa vào làm tác phẩm bắt buộc của cuộc thi quốc tế và đã 3 lần được chọn rồi.
 
Tháng 10 năm nay sẽ có buổi biểu diễn các thi sinh quốc tế trình diễn bài „Bèo dạt mây trôi“. Người ta phải tập trước hàng năm và đăng ký vào hội đồng này và đo tài. Tất cả các thí sinh từ Mỹ, Pháp, từ Úc  thậm chí từ Nhật sang biểu diễn bài thi bắt buộc này. Thông qua những cái đó thì đương nhiên khi người ta luyện tập một bài của Việt Nam thì họ phải tìm hiểu nguồn gốc xuất xứ của bài đó. Theo tôi nghĩ đó là cách nhanh nhất để truyền bá âm nhạc của Việt Nam với thế giới.

Hương Việt: Giáo sư đã từng đi lưu diễn nhiều nơi trên thế  giới, kỉ niệm nào làm giáo sư nhớ nhất?

GS Đặng Ngọc Long: Kỷ niệm thì nhiều lắm, nhưng tôi nhớ nhất là những lúc người ta hỏi tôi khi mà tôi biểu diễn xong một số bài của Việt Nam, đối với người châu Âu và người nước ngoài thì âm nhạc châu Âu người ta không lạ gì nhưng những tác phẩm pha trộn dân ca châu Á của tôi người ta thấy rất lạ. Các nhà chuyên môn thì muốn nghiên cứu, còn dân chúng thưởng thức người ta thấy có âm thanh khác hẳn đi và sau khi biểu diễn xong người ta cứ vỗ tay mãi để mà được nghe thêm những tác phẩm mà do tôi biên soạn và có nhiều người chờ đợi dưới sân khấu sau buổi biểu diễn để được chụp ảnh và hỏi về nội dung, ví dụ bài „Tây Nguyên“ chẳng hạn, người ta cứ hỏi „Tây Nguyên là ở đâu, chúng tôi muốn một lần được đến Tây Nguyên vì nghe Ngài giới thiệu về Tây Nguyên bằng hình ảnh chúng tôi tưởng tượng đến một khung núi rừng rất là hùng vĩ“. Người nước ngoài họ thích đi du lịch đến các vùng cao như vậy và người ta rất là mơ ước được đến vì nó đẹp như trong bản nhạc như vậy.
 
 
Hương Việt: Hương Việt được biết giáo sư đam mệ Guitar từ nhỏ, vậy nghệ  sỹ Guitar tài danh nào khiến giáo sư cảm phục nhất và noi gương?

GS Đặng Ngọc Long: Có 2 nghệ sỹ tôi khâm phục nhất: Ở Việt Nam đó là thấy giáo của tôi là thầy Tạ Tấn, một người tự học, theo tôi là một người giỏi nhất ở Việt Nam, một người có công nhất cho nền âm nhạc Việt Nam cho thời kỳ Guitar xâm nhập Việt Nam. Ông biên soạn rất nhiều tác phẩm cho Guitar Việt Nam, hồi đó mỗi lần nghe ông biểu diễn hay mỗi lần ông dạy tôi rất là rung động, giờ ông vẫn còn sống, tôi vừa rồi mới về gặp, ông gần 100 tuổi mà rất khỏe, ông không những giỏi về Guitar mà còn giỏi về hội họa nữa, ông có những cái tượng khắc bằng gốc sắn rất nổi tiếng. Ông là một người sống rất đàng hoàng, rất chí thiện với học trò, nâng đỡ học trò.
 
Còn ở nước ngoài là ông Pepe Romero. Cả một gia đình người Tây Ban Nha. Gia đình Romero có 3 người con, cả 4 cha con tạo thành một đoàn tứ tấu, ông Pepe là con thứ 2 trong gia đình Romero đó hiện đang dạy ở mỹ, là người mà tôi rất khâm phục. Ông sử dụng cái kỹ thuật mà nó pha trộn nhiều kỹ năng mà không chỉ có klassik không. Đấy là trường phái mà tôi đã tìm tòi và tôi cũng vì thế mà đã nảy sinh ra tác phẩm „Tây Nguyên“ của tôi là tìm tòi tất cả các kỹ thuật trên cây đàn Guitar. Guitar thì nhiều người thể hiện lắm, nhiều trường phái lắm nhưng mà nghe buổi biểu diễn của ông ta rất là hài hòa và sinh động. Để tạo được không khí mà để biết được cái tài của người đó thì phải biết nhiều kỹ thuật. Ông này là người biểu diễn các tác phẩm cùng dàn nhạc hòa tấu độc nhất của thời đại bây giờ. Ông được đánh giá là người tài ba nhất của thế kỷ này.

Hương Việt: Trong gia đình của giáo sư có ai đi theo con đường nghệ thuật hay chỉ riêng giáo sư? 

GS Đặng Ngọc Long: Con trai tôi 11 tuổi giờ cũng đang học về Guitar nhưng nghề Guitar cũng đòi hỏi phải kiên trì nhẫn nại và phải thực sự yêu quý, thực sự say mê thì mới đạt được mục đích kết quả nào đấy. Thế nên con trai tôi học về âm nhạc nhưng lại được mời đóng phim nhiều nên giữa âm nhạc và điện ảnh tôi để nó tự quyết định.

 
Hương Việt: Giới trẻ hiện nay có xu hướng nghe các dòng nhạc như  Pop, Rock. Giáo sư có nghĩ Guitar một ngày nào đó sẽ bị „chìm“ xuống không? 

GS Đặng Ngọc Long: Chìm sao được, nếu chìm thì chìm từ lâu rồi, vì từ trước tới nay Guitar vẫn là cái dòng như vậy, thậm chí nó cứ phát triển lên. Tuy nhiên trong dàn nhạc giao hưởng nó không có chỗ đứng, vì nó không phải là nhạc cụ để đánh dàn nhạc nhưng độc tấu thì lại rất được yêu thích. Còn dòng nhạc Pop, Rock thì chỉ là nhạc giải trí, nhạc thương mại, còn Guitar là dòng nhạc bác học, nhạc hàn lâm dùng cho những người có học, để nghe được Guitar và hiểu được nó cũng phải học, vì thế nói „chìm“ thì ko thể „chìm“ được. Theo tôi không được phép dùng những danh từ như „chết đi“ hay“ chìm xuống“ đối với nhạc hàn lâm, theo tôi đó là sự tôn trọng đối với nền văn hóa của thời đại, văn hóa của nhân loại. 

Hương Việt: Theo giáo sư Guitar của Việt Nam bây giờ có triển vọng để đạt tới tầm cỡ quốc tế không?      
                                                                                                                                                                     

GS Đặng Ngọc Long: Ở Việt Nam có Đại hội Guitar Festival toàn quốc, tôi có về Việt Nam và có hỗ trợ về tài chính trong đấy là trao giải thưởng cho các em đoạt giải nhất, giải nhì. Thông qua những cuộc như thế cũng thấy các em rất là giỏi, có khả năng nhưng không có điều kiện được nâng đỡ để phát triển, không có được cây đàn cho tốt, không có được thầy giáo hướng dẫn và không có điều kiện gặp gỡ các nghệ sỹ đại tài trên thế giới để được nâng đỡ. Như tôi may mắn được sang Đức, được các giáo sư nâng đỡ nên tôi mới được nổi danh. Còn ở nhà chẳng có ai nâng đỡ cả, có thể mình tài nhưng cần phải có sự nâng đỡ về tài chính, về con đường đi. Tại sao Nhật lại có nhiều người tài thế? Trung Quốc cũng có rất nhiều người tài. Tôi nghĩ sự tiếp xúc, hòa nhập với thế giới là điều kiện tối thiểu để chứng minh được sự thiên tài của một đât nước.
 
Hương Việt: Xin cảm ơn giáo sư về cuộc trò chuyện. Thay mặt Ban biên tập Tạp chí Hương Việt, chúng tôi xin chúc giáo sư mọi điều tốt đẹp nhất.

 
  • Hoàng Yến Anh & Nguyên Hương www.tapchihuongviet.eu
 
 

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.