feed-image

Hãy nhấn „Thích Trang“ để theo dõi tin tức cập nhật của Tạp chí Hương Việt trên trang Facebook của bạn!

BỎ QUA

Op2 1140X206P 1 frame

Phông chữ
Từ Hà Nội xuôi theo quốc lộ 1 A về hướng Nam chừng 20 Km là tới ga Chợ-Tía. Rẽ vào đường 73 đúng Km thứ 9 là tới quê tôi.

 "khu cháy quê tôi nước bạc đồng chiêm

có dòng sông Nhuệ chảy quanh xóm làng..."

Câu hát ấy cứ ngân nga mãi trong tâm chí tôi suốt từ những ngày còn cắp sách đến trường. Sau này ra đời, tôi lại hết sức tự hào mỗi khi loa phóng thanh vang vang:"Hà -Tây cửa ngõ Thủ đô, áo giáp chở che ngàn năm lịch sử". Trong chúng ta ai cũng có quê và ai cũng có quyền tự hào về quê hương của mình.

    Vốn là đồng chiêm trũng, ngày xưa lúa chỉ cấy được một vụ nên người dân quê tôi sống rất cực nhọc. "Giáp hạt" là một khái niệm gây nỗi kinh hoàng cho mỗi gia đình dân cày ngày ấy. Trong khi chờ bông lúa ngoài đồng chín hạt, họ phải ăn ngô, ăn khoai trừ bữa. Sau này cấy được hai vụ, đời sống mới ấm dần lên. Chúng tôi lớn lên trong những tháng ngày ấy. Không có nghề phụ, dân quê tôi chỉ biết trông vào ba sào ruộng ngập nước.

     Những cánh đồng Diệc, đồng Soi hay đồng Trằm...rộng thẳng cánh cò bay, vậy mà từ vụ này sang vụ khác cũng chỉ được chăm bẵm nhờ hai bàn tay gầy guộc của người nông dân. Nhưng người dân đổ bao nhiêu mồ hôi cho đồng ruộng, thì họ cũng sẽ nhận lại được tất cả những gì mà đồng ruộng dâng tặng. Chỉ tính riêng ngoài đồng thôi thì: cá, tôm, cua, lươn, trạch, ốc, ếch ... đã nhiều vô kể. Mỗi khi bước chân ra ngoài đồng thì ngang lưng ai cũng có một cái giỏ hoặc một cái thạ( giống như giỏ nhưng đan mắt cáo), trở về trên tay người nào cũng có nếu không là xâu cá thì cũng là một giỏ cua. Dân quê tôi đánh bắt tôm cá bằng đủ kiểu: giăng lưới, vó bè, đánh rọ, đánh lờ, cắm hóc, úp nơm, tát ròn, đắp dậy ... Ngày ấy mỗi khi tan trường về, để trốn nấu cơm, tôi thường vác cần câu đi câu cá trộm ở ao Hợp tác xã. Chỉ cần ném một ít thính xuống là một lúc sau có thể kéo lên vài chú mài mại bé bằng hai ngón tay tanh ngòm. Nhưng biết kho chúng với ngọn cúc tần hái ở bờ rào thì ăn cũng…nhớ đời.

     Còn"Menüs" trong bữa cơm của dân quê hồi ấy thường là có đĩa cá kho, bát cà pháo, đĩa rau muống luộc (nếu là rau hái dưới ao sau cơn mưa rào đêm trước thì càng tuyệt vời) và cuối cùng là món "truyền kiếp" của ngừơi dân quê tôi đó là: tương. Rau muống luộc chấm với nước tương mới, ăn xong lâu rồi vẫn cảm được cái vị ngọt lịm ở cổ họng. Có ai đâu ngờ, bữa cơm quê đạm bạc ngày ấy đã trở thành mong ước của tôi hôm nay.

     Vào mùa thu hoạch, đồng ruộng lại trả cho người nông dân những bông lúa chín vàng. Gặt chiêm, người dân phải chịu trận dưới cái nắng hè oi ả. Mẹ tôi và nhóm thợ gặt phải ra đồng từ lúc 4 giờ sáng và 12 giờ trưa là phải cõng được lúa về. Những thân lúa đổ nghiêng trên mặt nước được những người thợ gặt cắt xén gọn gàng và bó thành từng lượm. Ruộng sâu, bùn thụt tới tận đầu gối, không thể gánh được, họ phải cho lúa lên thuyền nan rồi kéo vào bờ. Những tia nắng trên trời rọi xuống, hơi nóng dưới nước bốc lên làm cho không khí hầm hập khó thở. Lưng áo của người nông dân lúc nào cũng đọng trắng muối của mồ hôi. Khi đi chăn trâu, tôi mang cho mẹ một siêu nước vối. Mẹ xoa đầu tôi khen ngoan và dặn: trời nắng to không được bỏ mũ ra kẻo về bị ốm. Trước khi quay lưng đi, tôi còn kịp nhìn thấy những giọt mồ hôi trên trán mẹ rơi thánh thót.

     Qua khỏi cơn giáp hạt (cuối vụ trước-đầu vụ sau chờ lúa chín ,phải ăn toàn ngô bung và khoai lang luộc). Giờ có cơm gạo mới no nê, bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng "trơn lông đỏ da" mặt mày hớn hở. Bố mẹ tôi may cho tôi một chiếc quần xanh sĩ lâm và một áo Sơ mi bằng vải phin trắng Nam-Định. Năm ấy tôi lại được thưởng một chiếc khăn quàng đỏ, do các bạn „thiếu niên tiền phong Thälmann“ Cộng hòa dân chủ Đức gửi tặng. Tôi tưởng không còn mơ ước gì hơn.

     Chuyện mà tôi đang hồi tưởng cùng các bạn đó là vào "những năm bom Mỹ trút trên mái nhà". Ngày ấy mỗi khi đi học, chúng tôi phải đội mũ rơm và khoác trên mình một mảnh vải xô đã được nhuộm xanh bằng lá mướp. Lớp học được giao thông hào nối với hầm kèo chữ A. Mỗi khi thấy máy bay Mỹ gầm rú điên cuồng thì các thầy cô lại cho học sinh sơ tán ra hầm. Đã có hai qủa rôckét phóng xuống sát một lớp học trên thôn Thượng và một máy bay Mỹ đã bị rơi trên cánh đồng Bầu.

    Xóm của tôi tên là xóm Cầu. Hướng Tây của xóm có một cái giếng đất, các cụ trong làng vẫn gọi nó là "Tây tỉnh". Giếng nằm gần đình làng và ở đó có một cây đa xum xuê cành lá. Đã từ bao đời rồi không biết, cây đa xóm tôi là mái nhà chung cho mọi người nghỉ chân trong những trưa hè oi bức. Còn cây bàng thấp nơi bờ giếng là vị trí thuận tiện nhất cho bọn trẻ chúng tôi theo dõi những trận đánh của bộ đội ta với máy bay Mỹ, mỗi khi chúng liều lĩnh bay vào Hà Nội. Thường là vào lúc thợ gặt húp xong bát cháo hoa buổi trưa là chúng đến. Như một đàn nhặng, chúng có rất nhiều loại, bay từng tốp, nhiều tầng, nhiều hướng. Bay qua xóm tôi một lúc là chúng bắt đầu vấp phải lưới lửa của lực lượng phòng không Hà Nội.

      Từ trên cây bàng, chúng tôi nhìn thấy toàn cảnh trận đánh theo mặt phẳng. Lửa khói ngút trời. Tiếng bom rền lẫn trong tiếng đạn pháo cao xạ nổ ròn rã. Tên lửa bay lên dũng mãnh như những con Rồng xuyên táo giữa đội hình máy bay địch. Có những "Con ma" (f.4) trúng đạn nổ tan xác ngay trên không, thân hình nát vụn rơi lả tả. Có những "Thần sấm" (f.105) kéo theo đuôi khói đen kịt, loạng choạng lết được một đoạn rồii đâm đầu xuống ruộng. Cứ mỗi lần như vậy bọn trẻ chúng tôi lại reo hò rung cành bàng. Người lớn quát thế nào cũng không xuống. Sau này đi bộ đội, tôi mới thấy được tính chất khốc  liệt của chiến tranh. Lúc ấy bọn trẻ chúng tôi chẳng biết sợ là gì, cứ ngồi xem một cách vô tư mê mải.

     Xóm Cầu nhỏ bé của tôi đã có năm thanh niên "xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nứơc" thì ba người nằm lại ở chiến trường. Họ đã ngã xuống như những người anh hùng và mãi mãi hiến dâng mùa xuân thứ 18 - mùa xuân đẹp nhất của cuộc đời mình - cho Tổ Quốc, cho Quê hương.

     Đã hơn 40 năm trôi qua kể từ đó. Hôm nay trở về, nhiều cảnh nhiều người quê tôi đã "vật đổi sao rời" theo nhịp sống mới của cả nước. Nhưng cây-đa, bến-nước, sân-đình vẫn còn đó, lối mòn vào nhà năm nao vẫn còn đây và tôi lại đến bên bờ nhìn dòng Nhuệ giang thả tóc lặng lẽ trôi xuôi, như người con gái xưa vẫn mãi ngàn năm chung thủy đợi chờ.                 

 

Nguyên Công Tiến, Hà Tây - Halle, 2009

Bình luận   

0 #1 Nguyen bình minh 24:13 13-01-2018
Bài viết rất ý nghĩa và cảm động
Trích dẫn

Thêm bình luận

TIN TỨC - SỰ KIỆN MỚI CẬP NHẬT

QUẢNG CÁO
tapchihuongviet.eu 2020 02 07 um 17.29.59
tapchihuongviet.eu 2019 07 19 um 15.05.46
banner fam right

Hội chợ 'Việt Nam tại Đức' thu hút khách tham quan

Trong khuôn khổ Hội chợ Xuân AFA 2020, Tạp chí Hương Việt tổ chức sự kiện đặc biệt với chủ đề "Việt Nam tại Đức" nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức (1975-2020).

tapchihuongviet_treviet_vdKỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt

Kỷ niệm 10 năm hình thành và phát triển của Tạp chí Hương Việt, đồng thời hướng tới 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt - Đức. Tạp chí Hương Việt cùng các Hội đoàn người Việt phía Tây-Nam nước Đức đã tổ chức chương trình Lễ hội văn hoá Việt Nam - Hương Việt 2019.