Phông chữ

Theo Reuters/AFP, ngày 23/10, Chánh Văn phòng Phủ Thủ tướng Đức, ông Peter Altmaier cho biết Berlin sẽ công bố các biện pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng di cư sớm hơn dự kiến, theo đó sẽ cho phép đẩy nhanh các thủ tục trục xuất người di cư bị bác đơn xin tị nạn sớm nhất là vào tuần tới.

 

Phát biểu trên Đài truyền hình ARD, ông Altmaier cho hay, các biện pháp mới nói trên có thể có hiệu lực sớm hơn dự kiến vào ngày 1/11. Theo ông Altmaier, Đức muốn đẩy nhanh việc trục xuất những người di cư bị bác đơn xin tị nạn.

Trước đó, Berlin tuyên bố sẽ tiếp nhận con số kỷ lục hơn 800.000 người di cư trong năm 2015. Với các biện pháp mới, Đức muốn giải quyết hiệu quả những người di cư đã đặt chân tới nước này và ngăn chặn dòng người di cư sắp tới.

Các quy chế trên nhằm đẩy nhanh thủ tục áp dụng quy chế tị nạn và trục xuất người di cư từ Đông-Nam Âu để tập trung vào người di cư từ các lò lửa chiến tranh như Syria, Iraq và Afghanistan.

ngày 23/10, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết, tính đến ngày 21/10, số người di cư tới Hy Lạp đã tăng tới 48.000 người chỉ trong vòng 5 ngày, nâng tổng số người di cư Địa Trung Hải tới châu Âu lên 681.000 người.

Ông Amin Awad, Giám đốc Văn phòng Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn tại Trung Đông nói rằng các cuộc không kích của Nga và chiến sự leo thang ở xung quanh thành phố Aleppo tại Syria đã góp phần làm gia tăng tình trạng người dân bị mất chỗ ở, với khoảng 50.000 người bị mất nhà ở.

Trong một động thái liên quan, Slovenia cho biết nước này đang cân nhắc việc dựng hàng rào biên giới để ngăn chặn hàng nghìn người di cư từ nước láng giềng Croatia đổ về quốc gia này. Slovenia đã trở thành cửa ngõ chính vào Khu vực tự do đi lại Schengen của Liên minh châu Âu (EU) sau khi Hungary đóng cửa biên giới phía Nam nước này với Croatia.

Hãng thông tấn ANSA ngày 23/10 đưa tin tổng số người di cư tràn vào Slovenia kể từ khi Hungary đóng cửa biên giới với Croatia hôm 17/10 đã lên tới hơn 40.000 người và giờ đây, quốc gia Balkan này đã trở thành con đường trung chuyển mới để người di cư vượt qua trên đường tới các nước Bắc Âu, qua Áo.

Hàng nghìn người di cư, trong đó có nhiều trẻ em, đã phải ngủ qua đêm ngoài trời lạnh ở biên giới Croatia-Slovenia. Cảnh sát Slovenia cho hay, chỉ tính riêng hôm 22/10, đã có hơn 15.000 người di cư di chuyển qua nước này để tới Áo, từ đó tiếp tục hành trình tới các nước Bắc Âu.

Theo một nguồn tin của cảnh sát Slovenia, dòng người di cư không có dấu hiệu giảm trong những ngày tới, khiến nước này phải đối phó với một cuộc khủng hoảng di cư lớn và nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới 2.

Tuy nhiên, Tổng thống Slovenia Borut Pahor lưu ý tình hình chưa nghiêm trọng đến mức Slovenia phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Hôm 22/10, Ủy viên EU về di cư Dimitris Avramopulos khẳng định rằng EU sẽ hỗ trợ Slovenia một khoản tài chính để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư. Tuyên bố này được đưa ra trong chuyến thăm của ông tới Slovenia.

Bộ trưởng Nội vụ Slovenia Vesna Znidar nói rằng một số nước láng giềng với Slovenia cũng gửi lực lượng dân sự đến để hỗ trợ nước này.

Bà Znidar cũng đề nghị Cơ quan về biên giới của EU (Frontex) nhanh chóng cử lực lượng tới biên giới với Croatia và Hy Lạp để "ngăn dòng người không được kiểm soát đang hướng tới châu Âu."

Chính phủ Croatia cũng yêu cầu cộng đồng quốc tế giúp đỡ nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng di cư. Kể từ ngày 16/9 đến nay, 217.000 người di cư đã qua nước này để từ đó tới các nước Bắc Âu.

Bộ trưởng Nội vụ nước này Ranko Ostojic cho biết, Croatia rất cần các phương tiện cứu trợ như chăn, lều, giường, túi ngủ cũng như các phương tiện sơ cứu khác để hỗ trợ người di cư./.

Vietnam+